02/01/2025

Nét đẹp của một người khuyết tật

Nét đẹp của một người khuyết tật

Cho đi – thông điệp cao đẹp ai cũng có thể hiểu được nhưng không phải ai cũng có thể làm được, nhất là cho đi những giọt máu trong cơ thể mình.
Anh Toàn (áo đỏ) tại một buổi hiến máu tình nguyện /// Ảnh: Tác giả cung cấp

Anh Toàn (áo đỏ) tại một buổi hiến máu tình nguyện ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Đã nhiều năm nay, hình ảnh một người đàn ông trung niên trong chiếc áo màu đỏ Chữ thập đỏ với cái lưng cong queo, xiêu vẹo cùng những bước chân không đều không chỉ quen thuộc trong các đợt hiến máu tình nguyện của TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) mà còn thân quen với Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Hình ảnh đó cũng đã quen thuộc suốt mấy mươi năm qua với bà con ở khu phố 7 phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương. Đó là hình ảnh của anh Dương Quang Toàn (sinh năm 1971) – một người thợ sửa chữa điện tử khuyết tật trên đường Nguyễn Đình Chiểu, rất có tâm, nhiệt tình và luôn vui vẻ trong công việc.
Xuất thân trong gia đình có ông bà, cha mẹ làm nghề giáo viên, y tế nhưng cuộc đời trớ trêu khi tuổi vừa lên 8, anh Toàn đã bị sốt viêm màng não mũ quái ác. Mặc dù được tận tình cứu chữa nhưng lực bất tòng tâm, anh phải sống một cuộc đời kém may mắn với cái lưng cong queo, xiêu vẹo…. Bệnh tật đã cướp đi của anh sự hồn nhiên tuổi thơ và cho đến khi trưởng thành, anh sống khép kín, tự ti, mặc cảm với khuyết tật của mình. Bước sang tuổi 18 với nhiều ước mơ ấp ủ và dù trúng tuyển Trường đại học Bách khoa TP.HHCM nhưng do sức khỏe yếu và không đủ tiền đi học nên anh Toàn chuyển qua học nghề phù hợp với mình. Cũng từ đó, anh thầm lặng gắn bó với nghề sửa chữa điện tử và cuộc sống vui tươi, hồn nhiên ngoài xã hội với anh chỉ là xa vời…
Nét đẹp của một người khuyết tật - ảnh 1
Nét đẹp của một người khuyết tật - ảnh 2

Bằng khen và giấy chứng nhận của chính quyền địa phương đối với đóng góp của anh Toàn ẢNH: TGCC

Đến một ngày của tháng 4.2009, những tiếng cổ động, kêu gọi vang rền ngoài phố đã kéo anh bước ra chân trời mới. Đi theo sự kêu gọi người dân hiến máu tình nguyện, anh đi thử xem hiến máu là làm gì và khi đến sân vận động Gò Đậu – nơi được tổ chức hiến máu, anh mới biết việc hiến máu là thế nào. Được giải thích cặn kẽ, thấu đáo, anh chợt bừng tỉnh: Tại sao mình không làm một việc có nhiều ý nghĩa như thế này?; Tại sao cứ phải sống trong sự u hoài, buồn tủi?… Bao câu hỏi dồn dập để rồi anh Toàn quyết định hiến máu. Sau khi làm các thủ tục cần thiết và đủ điều kiện sức khỏe để hiến máu, anh rất vui. Xong việc hiến máu, anh vội về cho gia đình hay và ba mẹ anh lặng người, dòng nước mắt người mẹ già rơi xuống khi thấy anh trở nên vui vẻ sau bao nhiêu năm thu mình trong sự tủi hờn.
Việc làm của anh – một người khuyết tật cũng chính là sự khích lệ vì cuộc sống cộng đồng đối với những ai còn do dự, suy bì, tính toán thiệt hơn.
Ngồi nghe anh tâm sự, nhìn cách anh giao tiếp và nhất là qua cách sống của anh, tôi nghĩ đến lời Bác Hồ đã nói khi đến thăm trường Thương binh hỏng mắt ở Hà Nội trong đêm giao thừa của Tết hòa bình đầu tiên sau khi ta thắng Pháp tại Điện Biên Phủ. Khi đó, Bác đã nói rằng: “Các cô, các chú tàn nhưng không phế”. Anh Toàn tuy không phải là thương binh nhưng với một cơ thể không lành lặn, khuyết tật thì sự vui sống, vươn lên, sống vì cộng đồng của anh là rất đáng trân trọng, mà nói như anh thì: “Cho đi chính là niềm vui trong cuộc sống của tôi”.
Anh tâm sự khi ra ngoài xã hội, tiếp xúc với nhiều người và nhất là việc mình làm có nhiều ý nghĩa, giúp cho nhiều người khác thì có niềm vui nào hơn; mình sẽ thấy cuộc đời đáng sống biết bao và thấy mình còn nhiều may mắn lắm. Việc hiến máu của anh cũng chỉ là việc làm bình thường như bao người khác, không to tát gì cả. Tất cả nghe thật nhẹ nhàng, khiêm tốn. Một việc làm tuy bình thường nhưng rất đáng trân trọng khi người làm việc bình thường đó lại chính là anh, tàn mà không phế!
Qua trao đổi với Chủ tịch UB MTTQ VN phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một và bà con nơi anh Toàn sinh sống, mọi người luôn dành những lời tốt đẹp, sâu đậm nghĩa tình với những việc làm đang lan tỏa trong cộng đồng của anh. Sự cho đi cũng như sự lan tỏa của những việc làm trân quý đó của anh Toàn đã được các cấp chính quyền, hội, đoàn thể biểu dương như: được đề nghị Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét khen thưởng; được UBND tỉnh Bình Dương, UBND TP.Thủ Dầu Một, UBND phường Phú Cường nhiều lần khen thưởng.
Cho đi – thông điệp cao đẹp ai cũng có thể hiểu được nhưng không phải ai cũng có thể làm được, nhất là cho đi những giọt máu trong cơ thể mình. Đó là một cách sống đẹp rất đáng quý, đáng trân trọng của anh Dương Quang Toàn khi anh biết cho đi để cuộc sống này tươi đẹp hơn:
Danh thơm cao đẹp nghĩa ở đời
Ngọt ngào hiến tặng giọt hồng tươi
Đậm đà tình nghĩa cùng chung sức
Ân tình trọn vẹn một con người ./.
NGUYỂN QUỐC DŨNG
TNO