Bà Agustina Canamero (81 tuổi) hôn chồng Pascual Perez (84 tuổi) qua một tấm màn chắn bằng nhựa để tránh lây nhiễm COVID-19 tại một viện dưỡng lão ở Barcelona, ngày 22-6-2020 – Ảnh: AP
Phóng viên ảnh Emilio Morenatti của Hãng tin AP đã giành giải “Ảnh phóng sự” (Feature Photography) nhờ loạt ảnh mô tả cuộc sống của những người già ở Tây Ban Nha đang vật lộn trong đại dịch COVID-19.
Ông Morenatti đã có hơn 30 năm làm phóng viên ảnh và đã đưa tin về các sự kiện quốc tế tại hơn 50 quốc gia.
Trong bộ ảnh đoạt giải chụp ngày 22-6-2020, Morenatti ghi lại khoảnh khắc của bà Agustina Canamero (81 tuổi) và chồng Pascual Perez (84 tuổi) tại một viện dưỡng lão ở Barcelona.
Bà Dolores Reyes Fernandez (61 tuổi) ôm chặt cha mình là ông Reyes Lozano (87 tuổi) sau 4 tháng xa cách vì đại dịch – Ảnh: AP
Bà Isabel Perez Lopez (96 tuổi) ôm chặt cô con gái Beatriz Segura (67 tuổi) – Ảnh: AP
Francisco Espana (60 tuổi) ngắm biển Địa Trung Hải tại một lối đi dạo cạnh một bệnh viện ở Barcelona, ngày 4-9-2020. Francisco đã trải qua 52 ngày trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) và đã phục hồi. Ông được dành 10 phút mỗi ngày để ngắm biển – Ảnh: AP
Bệnh nhân COVID-19 trong khu cách ly của một bệnh viện công ở Barcelona, ngày 18-11-2020 – Ảnh: AP
Bà Josefa Ribas (86 tuổi) nằm liệt giường, bên cạnh là y tá Alba Rodriguez trong trang phục bảo hộ. Bà Ribas bị chứng mất trí nhớ. Người chồng Jose Marcos (89 tuổi) luôn túc trực để chăm sóc. Ông Marcos lo sợ rằng nếu bản thân mắc COVID-19 thì không còn ai chăm sóc vợ – Ảnh: AP
Y tá Marta Fernandez cầm máy tính bảng cho bà Maria Teresa Argullos Bove (94 tuổi) nói chuyện với con cháu ở nhà từ bệnh viện ở Barcelona, ngày 18-11-2020 – Ảnh: AP
Với những người kém may mắn hơn, họ qua đời trong đại dịch mà không có người thân ở bên cạnh. Trong ảnh là một bệnh nhân COVID-19 qua đời tại viện dưỡng lão ở Barcelona, ngày 13-11-2020 – Ảnh: AP
Ở hạng mục ảnh tin nóng/thời sự, 10 phóng viên ảnh của Hãng tin AP đã được vinh danh vì đã ghi lại những “phản ứng của nước Mỹ trước cái chết của George Floyd”.
George Floyd là người da màu (46 tuổi) sống ở Minneapolis (Mỹ). Floyd đã qua đời sau khi bị một cảnh sát ghì chân lên cổ, dẫn tới không thở được.
Cái chết của Floyd đã làm dấy lên làn sóng biểu tình mạnh mẽ không chỉ ở Mỹ mà còn lan ra nhiều nước. Nổi bật trong làn sóng biểu tình là sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào “Black Lives Matter” (Mạng sống người da màu cũng đáng giá), nhằm chống lại nạn bạo lực và phân biệt chủng tộc đối với người da màu.
Người biểu tình cầm cờ Mỹ lộn ngược bên cạnh tòa nhà đang bốc cháy ở Minneapolis. Lúc này là ngày 28-5-2020, ngày thứ 3 liên tiếp người dân biểu tình sau cái chết của George Floyd vào ngày 25-5 – Ảnh: AP
Biểu tình nhanh chóng leo thang thành bạo lực, gây ra nhiều cuộc xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát. Trong ảnh là vụ xô xát giữa các sĩ quan cảnh sát và người biểu tình ở Atlanta, ngày 29-5-2020 – Ảnh: AP
Người biểu tình phá hoại một chiếc xe hơi ở gần Nhà Trắng vào ngày 31-5-2020. Biểu tình lúc này đã leo thang tới mức có nhiều hành động phá hoại xảy ra – Ảnh: AP
Một người phụ nữ da màu giơ cao tay, phía sau là chiếc xe cảnh sát đã cháy rụi ở Los Angeles, ngày 30-5-2020 – Ảnh: AP
Sự kiện khiến nước Mỹ rơi vào vòng xoáy của sự chia rẽ. Người phụ nữ giơ 2 tay trong ảnh đang cố gắng cản những người biểu tình phá hoại xe cảnh sát – Ảnh: AP
Cũng có những người lợi dụng biểu tình để cướp bóc, đốt phá. Ngày 2-6-2020, cảnh sát New York vây bắt một người đột nhập vào cửa hàng của hãng thời trang Balenciaga – Ảnh: AP
Biểu tình lan rộng khiến cựu tổng thống Donald Trump gặp nhiều bất lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào cuối năm 2020 – Ảnh: AP
Giải thưởng Pulitzer do nhà báo Mỹ Joseph Pulitzer thành lập từ năm 1917 và được coi là giải thưởng báo chí danh giá hàng đầu tại Mỹ. Lễ trao giải Pulitzer năm 2021, trị giá 15.000 USD cho mỗi giải, đã bị hoãn hồi tháng 4 vì dịch COVID-19.
Giải Pulitzer xét giải ở 21 hạng mục khác nhau, trong đó có 14 hạng mục vinh danh các tác phẩm báo chí và 7 hạng mục trao cho các tác phẩm tiểu sử, lịch sử, truyện, thơ, tiểu thuyết, kịch và âm nhạc.