15/11/2024

13 dự án điện gió sẽ không kịp bán điện trong năm 2021

13 dự án điện gió sẽ không kịp bán điện trong năm 2021

Trong số 130 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tổng công suất hơn 7.400MW, 13 dự án với tổng công suất 1.152MW không kịp vận hành thương mại năm nay.

 

 

 

13 dự án điện gió sẽ không kịp bán điện trong năm 2021 - Ảnh 1.

Trong số 12 dự án đã vận hành thương mại hiện nay, Nhà máy điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận với công suất 151,95 MW là nhà máy điện gió lớn nhất VN tính đến nay – Ảnh: T.N.

Theo thống kê của EVN, đến nay có 130 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, trong đó số dự án đã đưa vào vận hành thương mại là 12 dự án với tổng công suất là 581,93 MW.

Trong năm nay, sẽ có 105 dự án vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 để kịp hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (khoảng 2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi theo quyết định 39. Tuy nhiên, EVN dự kiến có 13 dự án sẽ không kịp vận hành trước ngày 1-11 năm nay.

Trong số đó, Cà Mau có 4 dự án, Quảng Trị có 3 dự án, Bến Tre có 2 dự án và các tỉnh Bạc Liêu, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh có 1 dự án. Tuy vậy, EVN cho hay trong tổng công suất đã phê duyệt quy hoạch khoảng 12.000MW, vẫn còn khoảng 4.600MW chưa đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện.

Theo EVN, hiện nay vẫn còn các chủ đầu tư tiếp tục đề nghị ký hợp đồng mua bán điện, trong đó có những dự án dự kiến vận hành sau ngày quyết định 39 hết hiệu lực.

EVN nhận định việc này có thể gây rủi ro cho tập đoàn này về quá tải và thừa nguồn, đặc biệt vấn đề quá tải không thể xử lý được trong thời gian ngắn và cơ sở pháp lý để ký hợp đồng mua bán điện chưa rõ ràng.

Do đó, đối với các dự án vận hành sau ngày quyết định 39 hết hiệu lực (1-11-2021) nhưng công trình đấu nối chưa hoàn thành, EVN dự kiến kiến nghị Bộ Công thương việc chỉ thực hiện công tác đóng điện, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại sau khi được phê duyệt phương án đấu nối tạm và cho phép công nhận ngày vận hành thương mại khi đấu nối tạm.

Còn đối với các dự án vận hành sau thời điểm quyết định 39 hết hiệu lực, EVN dự kiến “kiến nghị Bộ Công thương cho phép tạm thời không thực hiện các thử nghiệm liên quan và không huy động cho đến khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”.

Hiện nay, có những dự án điện mặt trời đã hoàn thành sau ngày 31-12-2020 vẫn chưa được thanh toán tiền điện do chưa có cơ chế, chưa có giá mua điện mới sau khi chính sách FIT (cơ chế khuyến khích thông qua giá mua điện cố định 20 năm) hết hiệu lực. Do đó, các nhà đầu tư lo ngại dự án điện gió nếu không hoàn thành trước khi quyết định 39 hết hiệu lực cũng sẽ rơi vào “khoảng trống” chính sách như đối với dự án điện mặt trời hiện nay.

Điện gió lo COVID-19 ảnh hưởng tiến độ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện các dự án điện gió cho biết dù các nhà thầu đang đẩy nhanh xây dựng các dự án, song dự án vẫn có nguy cơ bị đình trệ bởi COVID-19. Trong đó, một dự án điện gió tại miền Tây đã bị ảnh hưởng khi nhân viên của công ty điện gió là F1 của bệnh nhân mắc COVID-19.

Mới đây, tỉnh Sóc Trăng cũng đã có văn bản các trường hợp người nước ngoài gồm nhà đầu tư, nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao nhập cảnh vào Sóc Trăng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Sóc Trăng hiện có 9 dự án điện gió đang thi công.

Theo các nhà đầu tư, không ít công trường hiện nay phải sử dụng các chuyên gia nước ngoài để quản lý việc lắp đặt, vận hành các trụ điện gió nên diễn biến của COVID-19 hiện khiến các nhà đầu tư hết sức lo lắng. Nếu không kịp vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021, các nhà đầu tư sẽ không được hưởng giá bán điện theo quyết định 39, trong khi giá bán điện sau ngày quyết định 39 hết hiệu lực vẫn còn là một ẩn số.

NGỌC HIỂN
TTO