Mối nguy cúm gà H10N3 lây sang người
Mối nguy cúm gà H10N3 lây sang người
Trung Quốc thông báo ghi nhận ca mắc cúm gia cầm H10N3 đầu tiên trên người và ra lệnh theo dõi y tế những người có liên quan.
Nguy cơ lan rộng thấp ?
Hôm qua (1.6), Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo một người đàn ông 41 tuổi đã trở thành ca nhiễm cúm gia cầm H10N3 đầu tiên trên thế giới. Bệnh nhân sống tại TP.Trấn Giang (Giang Tô, miền đông Trung Quốc) xuất hiện triệu chứng vào ngày 23.4 và nhập viện hôm 28.4 khi bệnh tình trở nặng. Đến ngày 28.5, người này được chẩn đoán nhiễm H10N3.
NHC thông báo đã hoàn tất phân tích mã gien của vi rút, cho thấy vi rút này có nguồn gốc từ loài gia cầm và không thể lây nhiễm “hiệu quả” sang người. Giới chức y tế Trung Quốc cho rằng đây là ca lây nhiễm theo mùa và nguy cơ lây lan diện rộng cực kỳ thấp. “Chưa từng có ca H10N3 nào trên người được báo cáo trên thế giới, và vi rút H10N3 trên gà là loại ít có khả năng gây bệnh”, NHC thông báo.
Hiện chưa rõ bệnh nhân nói trên bị nhiễm như thế nào, nhưng giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng người này có thể bị nhiễm từ những giọt nhỏ tiết ra từ đường hô hấp của gà, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với gà sống bị bệnh.
NHC thông báo tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và sẵn sàng xuất viện. Mặt khác, ủy ban này đã hướng dẫn tỉnh Giang Tô thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cần thiết và theo dõi y tế toàn bộ người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Cho đến nay, không có ca nhiễm nào được phát hiện trong số những người từng tiếp xúc với bệnh nhân. Ngoài ra, NHC còn cảnh báo người dân không nên tiếp xúc với gà chết hoặc bị bệnh và tránh tiếp xúc trực tiếp với gà sống.
Nhiều vi rút xuất hiện
Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Dương Chiêm Thu, Phó trưởng khoa Sinh vật học mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán, cho biết H10N3 là một dạng phụ của vi rút cúm A, thường nguy hiểm đối với các loại chim tự nhiên và gà. Theo ông Dương, H10N3 ít nguy cơ đối với người và chưa có bằng chứng cho thấy nó có thể gây lây nhiễm từ người sang người.
Điều phối viên Filip Claes, thuộc Trung tâm khẩn cấp bệnh động vật xuyên biên giới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), cho hay chủng vi rút này không quá phổ biến và cần dữ liệu phân tích mẫu gien để xác định nó giống với các vi rút cũ hay là một dạng mới.
|
Nhiều chủng cúm gia cầm từng được phát hiện tại Trung Quốc và một số chủng lây nhiễm cho người, đặc biệt là những người tiếp xúc với gà. Đầu năm 2020, Trung Quốc ghi nhận ổ cúm A/H5N1 tại tỉnh Hồ Nam, trong lúc dịch Covid-19 vừa xuất hiện. Chính quyền địa phương tiêu hủy gần 18.000 gia cầm và thông báo không có người nào bị nhiễm loại bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên tới 60% này.
Đợt dịch cúm gia cầm lớn gần nhất tại Trung Quốc xảy ra vào cuối năm 2016 đến 2017 với chủng H7N9, khiến khoảng 300 người thiệt mạng. AFP dẫn số liệu của FAO cho thấy có 1.669 người bị nhiễm bệnh và 616 người tử vong vì H7N9 từ năm 2013. Hồi tháng 12.2020, chính quyền Hồ Nam cũng xác nhận 1 ca nhiễm cúm H5N6 trên người.
Tuần trước, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc kêu gọi tăng cường giám sát các trang trại nuôi gà, các khu chợ và những bầy chim tự nhiên sau một số đợt bùng phát cúm gia cầm tại châu Phi và vùng lục địa Á – Âu thời gian gần đây.
BẢO VINH
TNO