17/11/2024

Lộ thông tin tài khoản, ngân hàng phải chịu trách nhiệm

Lộ thông tin tài khoản, ngân hàng phải chịu trách nhiệm

Việc NH TMCP Quân đội (MB) công bố đã tìm ra nhân viên làm lộ thông tin tài khoản nghệ sĩ H.L đăng trên mạng xã hội tối 27.5 khiến nhiều khách hàng hoang mang.
NH phải chịu trách nhiệm khi làm lộ thông tin khách hàng /// ẢNH: NGỌC THẮNG
NH phải chịu trách nhiệm khi làm lộ thông tin khách hàng ẢNH: NGỌC THẮNG

Khách hàng bức xúc, lo lắng

Ngay sau khi Ngân hàng (NH) MB chính thức thông tin về việc có hiện tượng nhân viên làm lộ tài khoản nêu trên, nhiều khách hàng đã bày tỏ sự hoang mang và bức xúc của mình.
Khách hàng tên Kiet Kha viết: “Tôi làm ăn mà bị lộ thông tin như vậy có thể gây thiệt hại rất lớn vì những việc như thế này. Quá thất vọng về đạo đức của nhân viên”. Hay độc giả Đầm Đỗ nêu: “NH là chìa khóa tủ sắt của khách hàng, nhưng nhân viên là người mở cửa để sao kê bí mật tài khoản của khách hàng, là quá sai rồi, làm ảnh hưởng xấu đến khách hàng và NH”. Độc giả tên Trung nói thẳng: “Tiền của tôi là do NH quản lý. Trách nhiệm của NH trong việc này như thế nào mới là cái khách hàng quan tâm MB ạ. Còn việc xử lý nhân viên là việc nội bộ của MB”…
Không chỉ bức xúc với hành động của nhân viên NH MB nói trên, nhiều khách hàng cũng lo sợ tài khoản của mình đang để ở những NH có khi nào rơi vào tình trạng tương tự hay không? Bà Ngọc An (ngụ Q.1, TP.HCM) đặt vấn đề: Việc nhân viên MB dễ dàng để lộ thông tin khách hàng cho thấy quản lý quá lỏng lẻo. Các NH đều thường xuyên cảnh báo khách hàng cẩn thận đề phòng lừa đảo để không bị mất tài khoản nhưng đây là lộ ra từ trong nội bộ NH thì làm sao khách hàng tránh được? Làm sao khách hàng yên tâm khi để tiền trong tài khoản?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty luật Nghiêm & Chính, nhận định việc nhân viên NH MB làm lộ thông tin tài khoản của khách hàng là vi phạm nghiêm trọng quy định và đạo đức của lĩnh vực tài chính. Nếu khách hàng chứng minh được thiệt hại vật chất từ việc này thì NH phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ngân hàng phải chịu trách nhiệm ấp đôi

Thông tin cá nhân là tài sản có giá trị trong nhiều hoạt động hiện nay. Đặc biệt thông tin tài khoản càng vô cùng quan trọng vì liên quan trực tiếp đến túi tiền của người dân. Chỉ cần lộ số tài khoản là có thể khách hàng đã bị nguy cơ mất tiền. Chưa kể các giao dịch, số dư trong tài khoản… càng thuộc bí mật cá nhân.
Theo Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài thì NH phải giữ bí mật về thông tin định danh khách hàng (bao gồm họ tên, mẫu chữ ký, tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, thông tin về giao dịch của khách hàng…). Các nhà băng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân được quy định cụ thể như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, viện kiểm sát, tòa án, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế… Hoặc NH chỉ được cung cấp thông tin khi có sự chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc theo thỏa thuận với khách hàng. Cá nhân nếu vi phạm nguyên tắc bí mật thông tin khách hàng bằng việc tiết lộ, công khai thông tin trái phép thì sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ phía tổ chức tín dụng từ khiển trách tới chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại nếu có. Bên cạnh đó, tùy mức độ vi phạm, người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
LS-TS Châu Huy Quang, Giám đốc phụ trách Công ty luật Rajah & Tann LCT phân tích thêm: Theo điều 14 luật Các tổ chức tín dụng, các NH nhìn chung có nghĩa vụ phải “bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng” và đồng thời “không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng cho tổ chức, cá nhân khác. Việc cung cấp thông tin của khách hàng chỉ được cho phép trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; hoặc được khách hàng chấp thuận”.
Đối với cá nhân là nhân viên NH đã thực hiện hành vi làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng không đúng mục đích theo quy định, cá nhân đó có thể bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng. Tuy nhiên, trường hợp có bằng chứng chứng minh việc phát tán, tiết lộ thông tin tài khoản của khách hàng là do lỗi của phía NH như lỗ hổng bảo mật, an ninh hay quản lý kém thì NH có thể phải chịu mức phạt tiền gấp đôi mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm.
Mặt khác, cũng cần xem xét các quy chế nội bộ của NH và thỏa thuận cụ thể giữa NH với khách hàng liên quan đến trách nhiệm bảo mật thông tin và trách nhiệm của NH trong trường hợp thông tin bị tiết lộ. Điều khoản bảo mật trong các hợp đồng tín dụng giữa các bên (nếu có) có thể quy định ràng buộc cả trách nhiệm của NH cho dù nhân viên vi phạm. Trong trường hợp có thỏa thuận đó, NH phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với khách hàng có thông tin bị tiết lộ, bao gồm các thiệt hại phát sinh thực tế cho khách hàng.

Phải tuyệt đối bảo mật

Điều 47 Nghị định 88/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH quy định: Thông tin về tài khoản NH là những thông tin vô cùng quan trọng và phải tuyệt đối bí mật. Việc trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản NH không chỉ vi phạm nguyên tắc hoạt động ngành NH mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về tài chính cho người bị mất thông tin.
Nếu trao đổi, công khai trái phép thông tin tài khoản NH của nhiều người, hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản NH quy định tại điều 291 bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh nêu trên thì người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt lên đến 7 năm tù.
MAI PHƯƠNG
TNO