Khơi thông xuất khẩu, nâng tầm thương hiệu vải thiều
Khơi thông xuất khẩu, nâng tầm thương hiệu vải thiều
Việc đa dạng hình thức xúc tiến tiêu thụ như lần đầu tiên quả vải bán trên trang thương mại điện tử, quảng bá chỉ dẫn địa lý đã được Bộ Công thương triển khai góp phần thúc đẩy phát triển thương hiệu vải thiều Việt Nam có chỗ đứng vững chắc.
Nhóm sản xuất của ông Mùi có 102 hộ với gần 10ha trồng vải tại Thanh Hà (Hải Dương), sau 5 năm áp dụng tiêu chuẩn VietGap thì từ năm nay đã chính thức chuyển sang áp dụng trồng vải theo tiêu chuẩn Global Gap.
Mặc dù phải đầu tư thêm, công chăm sóc kỹ hơn, chi phí tăng khoảng 20%, nhưng ông Mùi cho hay đây sẽ là tiền đề cho quả vải rộng đường vươn ra thị trường quốc tế.
Khó khâu tiêu thụ, doanh nghiệp nhà nước tìm nhiều kênh
Tuy vậy, bài toán tiêu thụ vẫn là vấn đề rất khó khăn với những hộ trồng vải, bởi phần lớn lượng vải sản xuất được đều phải tự tìm mối tiêu thụ, bán ra ngoài cho tư thương, xe cóc, mà có rất ít hợp đồng lớn cố định từ các doanh nghiệp, nhà phân phối.
Mặc dù nhiều năm nay có doanh nghiệp vào thu mua tại vườn, đặt hàng để xuất khẩu sang nước ngoài (đi Mỹ, Singapore…) song sản lượng xuất khẩu còn khiêm tốn, chỉ 10 – 15%.
“Hàng xuất khẩu bán có giá cao hơn, giúp xây dựng thương hiệu nhưng chưa được nhiều, lại thêm khó khăn do dịch bệnh, vận chuyển. Như vừa rồi chúng tôi có vải trứng trắng đang vào vụ xuất được sang Singapore, doanh nghiệp cũng đặt vấn đề thu mua, nhưng do vướng tàu hàng, nên lại phải bán trong nước.
Rồi cũng có một số doanh nghiệp đặt vấn đề thu mua, hứa hẹn nhiều, nhưng đến nay chưa có hợp đồng chính thức nên chúng tôi vẫn phải chủ động, tìm mối tiêu thụ qua tư thương và xuất sang Trung Quốc” – ông Mùi cho hay.
Với Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, việc đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín từ vùng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu giúp mang lại nhiều lợi thế hơn.
Bà Ngô Thị Thu Hồng, tổng giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, cho hay công ty có 5 mã vùng trồng với diện tích 50ha, do các hợp tác xã sản xuất với quy trình chăm sóc chặt chẽ.
Công ty cũng đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, đảm bảo từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng được 30 ngày. Nhờ vậy nâng chất lượng sản phẩm nên đến nay, 80% quả vải do Công ty Ameii VN trồng đã xuất được vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, châu Âu.
Song theo bà Hồng, khó khăn nhất để giữ thị trường, giữ khách hàng là phải đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu, khi mỗi thị trường đều có tiêu chuẩn riêng. Do đó, người sản xuất phải tuân thủ quy trình để có nguyên liệu tốt, làm ra sản phẩm tốt thì mới được thị trường chấp nhận.
“Mỗi thị trường có yêu cầu, tiêu chí khác nhau liên quan đến quy định về trái cây tươi nhập khẩu. Như sắp tới chúng tôi tiếp tục đưa hàng vào thị trường Thái Lan, hay tận dụng FTA để xuất vào EU, song phải đáp ứng nhiều giấy tờ, chứng chỉ an toàn thực phẩm mà các nước quy định” – bà Hồng cho hay.
Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Hải Dương, hiểu được khó khăn của người nông dân, doanh nghiệp, trong khi vải thiều là cây nông sản có thế mạnh nên nhiều năm qua, địa phương luôn chú trọng đưa ra chính sách hỗ trợ, vừa phát triển thị trường truyền thống và liên tục mở thêm thị trường mới tiềm năng.
Theo đó, ngay từ đầu năm tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản để chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ.
Cụ thể, ở thị trường nội địa, Hải Dương xác định Hà Nội và TP.HCM cùng các tỉnh lân cận sẽ là địa bàn trọng điểm trong tiêu thụ.
Do đó, quả vải cùng nhiều nông sản khác đạt tiêu chuẩn được kết nối tiêu thụ trong hệ thống siêu thị lớn Co.opmart, Hapro, MM Mega Market…, các chợ đầu mối hoa quả… cũng như khơi thông, mở rộng, phát triển các thị trường mới như miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Pháp, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Mỹ, EU… gắn với đẩy mạnh mở rộng thị trường mới.
Chìa khóa từ quảng bá chỉ dẫn địa lý
Ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho hay trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kết nối giao thương, năm 2021 lần đầu tiên Bộ Công thương đã phối hợp địa phương tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến quả vải thiều với các nhà phân phối, xuất khẩu bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Với Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, quả vải và nông sản Hải Dương lần đầu tiên được bán trên các sàn thương mại điện tử từ ngày 15-5.
Đơn cử như sàn Lazada, không những ưu đãi giá tốt, sàn trực tuyến này còn có chính sách hỗ trợ hấp dẫn, bằng hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ sau khi đặt hàng.
Hay cùng với sự tham gia của sàn Sendo, mở rộng các nhà phân phối ở siêu thị, doanh nghiệp thu mua và các cơ sở chế biến, Cục cũng hướng tới mục tiêu đưa quả vải lên trang thương mại điện tử lớn của quốc tế như Alibaba.
Đặc biệt, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo chất lượng, Cục đã tổ chức huấn luyện cho 50 đơn vị sản xuất, kinh doanh vải thiều áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Với thị trường quốc tế, doanh nghiệp cung ứng vải và nông sản Hải Dương cũng sẽ được kết nối giao thương trực tuyến với 300 đầu mối nhập khẩu tiềm năng.
Tuy vậy, ông Phú cho rằng để nâng cao chất lượng và giá trị thương hiệu quả vải, ngoài các hoạt động xúc tiến, kết nối cung cầu, Bộ Công thương còn chú trọng việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu.
Theo đó, với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam – chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ để quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm nâng cao vị thế và giá trị gia tăng từng ngành hàng, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ và địa phương hỗ trợ và hướng dẫn cho người dân thực hiện việc đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài.
Đến nay, vải thiều Thanh Hà đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý và được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2007.
Cùng với đó là các kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm giúp tăng cường nhận biết các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam, trong đó có vải thiều Thanh Hà đến với khách hàng, người tiêu dùng quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử, các sự kiện xúc tiến thương mại, các sự kiện ngoại giao ở nước ngoài.
Gắn với đó là các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp trong công tác xây dựng và phát triển, bảo vệ thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, vị thế của hình ảnh thương hiệu Việt Nam.
* Ông Vũ Bá Phú (cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương):
Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong
Thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thì các doanh nghiệp trồng trọt và kinh doanh vải thiều có thể theo đuổi 3 tiêu chí: “Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong” của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, từ đó hướng tới là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.