23/12/2024

Vợ chồng đã ly hôn có quay lại được không?

Vợ chồng đã ly hôn có quay lại được không?

Theo chuyên gia, việc vợ chồng đã ly hôn vẫn có thể quay lại chung sống với nhau, nhưng cần phải làm thủ tục đăng ký kết hôn theo luật quy định.
Yêu nhau 7 năm, đôi vợ chồng trẻ là chị D. (27 tuổi) và anh K. (29 tuổi, cùng ở TP.HCM) mới làm đám cưới. Về sống với nhau được 2 năm, có một đứa con chung hơn 1 tuổi. Do anh K. cờ bạc và trai gái, chị D. không chấp nhận nên họ ra tòa ly dị được 1 năm nay. Chị D. nuôi con. Hằng tháng anh K. thực hiện đầy đủ việc chu cấp tiền nuôi dưỡng con như tòa phán quyết.
Sau khi ly hôn, anh K. nhận thấy lỗi của mình, nên hằng ngày anh đều ghé đến thăm con… Ghi nhận những nỗ lực của anh K. và cũng không muốn con sống xa cha, nên chị D. có ý định tái hôn với anh K.
Trong trường hợp muốn tái hôn, chị D. và anh K. phải làm những gì; rồi tài sản đã từng phân chia khi ly dị trước đây sẽ được tính như thế nào?

Vợ, chồng cũ tái hôn cần đăng ký kết hôn

Theo Luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), vấn đề vợ chồng đã ly hôn nhưng quay lại ở với nhau thì cần phải xác lập lại quan hệ vợ chồng bằng cách đăng ký kết hôn, căn cứ theo khoản 2, điều 9 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ngoài ra, khi xác lập lại quan hệ vợ chồng cần phải làm thủ tục đăng ký kết hôn theo khoản 1, điều này và việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật về hộ tịch.
“Trong trường hợp hai người ly hôn, vẫn còn tình cảm với nhau nhưng khi quay lại không đăng kýkết hôn thì pháp luật sẽ không công nhận họ là vợ chồng”, LS Tuấn thông tin.
Ngoài ra, theo LS Tuấn, để đăng ký kết hôn thì hai người nam, nữ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn theo khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình: Nam, nữ kết hôn với nhau thì nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự.
Đồng thời, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của luật này. Bao gồm các hành vi: kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời…

Vấn đề phân chia tài sản

Theo LS Tuấn, khi làm thủ tục ly hôn thì tài sản của hai vợ chồng đã được phân chia, nên sau khi tái hôn, tài sản của vợ, chồng trong trường hợp này sẽ là tài sản riêng. “Lúc này, việc hai vợ, chồng kết hôn lại, giống như hai người độc thân kết hôn với nhau, mỗi người có tài sản thì đó là tài sản riêng, trước hôn nhân. Việc có nhập chung tài sản hay không phụ thuộc vào ý chí của hai người. Nếu cả hai không có thoả thuận nhập tài sản riêng trước hôn nhân vào tài sản chung thì vẫn là tài sản riêng của người đó. Kể cả tài sản riêng có được trong thời kỳ hôn nhân như được thừa kế, được tặng cho riêng”, LS Tuấn cho biết.
Theo LS Tuấn, theo điều 43, Luật hôn nhân và gia đình, thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
SONG MAI
TNO