25/12/2024

Dịch COVID tăng dữ dội ở Ấn Độ, các nước nghèo càng thiếu vắc xin

Dịch COVID tăng dữ dội ở Ấn Độ, các nước nghèo càng thiếu vắc xin

Ấn Độ phải tạm dừng cung cấp vắc xin theo cơ chế COVAX do thiếu thốn nguyên liệu, vật tư và tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 tại nước này ở mức báo động đỏ.

 

Dịch COVID tăng dữ dội ở Ấn Độ, các nước nghèo càng thiếu vắc xin - Ảnh 1.

Vắc xin COVISHIELD được Viện Huyết thanh Ấn Độ định giá 600 rupee (184.000 đồng VN) cho bệnh viện tư nhân và 400 rupee (123.000 đồng VN) cho chính quyền các bang – Ảnh: PTI

Trước đại dịch COVID-19, Ấn Độ đứng đầu thế giới về sản xuất vắc xin (vaccine). Đại dịch bùng nổ, Ấn Độ nhanh chóng trở thành nhà cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới.

Tạm dừng xuất khẩu vắc xin cho COVAX 

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đủ năng lực sản xuất 1,5 tỉ liều mỗi năm. SII sản xuất vắc xin COVISHIELD là phiên bản Ấn Độ của vắc xin AstraZeneca/Oxford, một trong bốn loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt phân phối toàn cầu.

Sau khi đạt được thỏa thuận sản xuất vắc xin cho cơ chế COVAX (do WHO cùng các đối tác chủ trì) vào mùa thu năm ngoái, ban đầu SII dự kiến bảo đảm cung ứng vắc xin tới các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Đến tháng 2-2021, giám đốc điều hành SII Adar Poonawalla thông báo SII nhận được chỉ đạo ngừng bán vắc xin ra nước ngoài để ưu tiên cho dân trong nước.

Ông không nói rõ ai chỉ đạo, trong khi Chính phủ Ấn Độ bác bỏ đã ra lệnh cấm xuất khẩu vắc xin COVID-19.

SII đã cam kết cung cấp 1,1 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 trong cơ chế COVAX, theo đó đến tháng 5-2021 sẽ cung cấp 100 triệu liều. Tuy nhiên, theo tạp chí Fortune, hiện nay SII khó có thể đạt được chỉ tiêu đó.

Từ đầu tháng 4-2021, công tác xuất khẩu vắc xin AstraZeneca tạm dừng. Theo số liệu từ Chính phủ Ấn Độ, tính đến ngày 21-4, SII chỉ mới xuất khẩu 19,6 triệu liều vắc xin cho COVAX.

Dịch COVID tăng dữ dội ở Ấn Độ, các nước nghèo càng thiếu vắc xin - Ảnh 2.

Thiếu nguyên liệu và vật tư, nhà máy của SII không sản xuất đủ vắc xin – Ảnh: AP

Nguyên nhân vì sao?

Giám đốc Adar Poonawalla biện bạch trên đài phát thanh Ấn Độ: “Chúng tôi được mặc định xuất khẩu (vắc xin của chúng tôi) và nhận tài trợ từ các nước xuất khẩu, nhưng hiện thời điều đó không xảy ra, chúng tôi phải tìm cách sáng tạo khác để xây dựng năng lực sản xuất”.

Ông đã đề nghị Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ 400 triệu USD giúp SII tăng năng lực sản xuất từ 60-70 triệu liều mỗi tháng lên 100 triệu liều.

Ngoài ra, ông còn đổ lỗi cho Mỹ tích trữ nguyên liệu sản xuất vắc xin nên SII gặp khó.

Trả lời báo Ấn Độ The Business Standard hồi tuần trước, ông giải thích do chỉ thị cấm xuất khẩu vật tư sản xuất vắc xin COVID-19 của Mỹ, SII không bảo đảm khả năng sản xuất vắc xin cho Hãng dược phẩm Novavax (Mỹ), nhưng ông không nhắc gì đến vắc xin AstraZeneca.

Theo báo Les Echos, tình hình thiếu nguyên liệu nguy cấp đến mức hôm 16-4, giám đốc điều hành Adar Poonawalla đã viết trên Twitter gửi lời đến Tổng thống Joe Biden đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu sản xuất vắc xin.

Dịch COVID tăng dữ dội ở Ấn Độ, các nước nghèo càng thiếu vắc xin - Ảnh 3.

Ấn Độ đang đương đầu với đợt lây nhiễm thứ hai – Ảnh: REUTERS

Cấp thêm tiền, mở cửa nhập khẩu vắc xin

Ngoài khó khăn về công nghiệp, Ấn Độ còn phải đương đầu với đại dịch hoành hành dữ dội. Sau thời gian tạm lắng vào mùa đông, đợt dịch thứ hai bùng phát mạnh trong những tuần gần đây.

Ngày 22-4, Ấn Độ đã có hơn 315.800 ca mắc COVID-19 mới, và số ca tử vong là 2.102 ca.

Trước đợt dịch này, chưa bao giờ Ấn Độ ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới mỗi ngày. Các bệnh viện đang cạn kiệt nguồn oxy cho máy thở và bị thiếu giường điều trị.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Ấn Độ muốn đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 nhưng đến nay chỉ mới tiêm hơn 127 triệu liều, con số quá nhỏ so với dân số 1,3 tỉ dân.

Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã thông báo trên kênh truyền hình CNBC-TV18 là để tăng cường nguồn cung vắc xin, Chính phủ Ấn Độ đã cấp thêm cho SII 400 triệu USD và tài trợ cho Công ty dược phẩm Ấn Độ Bharat Biotech 200 triệu USD.

Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ cũng đã phê duyệt sử dụng vắc xin Sputnik V của Nga và mở cửa cho các nhà sản xuất nước ngoài bán vắc xin cho Ấn Độ.

Với các biện pháp trên, hi vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn trong thời gian tới.

WHO hi vọng sẽ cung cấp 2 tỉ liều vắc xin cho 92 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là các nước châu Phi. Do đó, nếu kế hoạch cung cấp vắc xin cho COVAX bị gián đoạn, các nước châu Phi sẽ lãnh đủ.

Đầu tháng 4-2021, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong đã khẳng định ngừng cung cấp vắc xin sẽ dẫn tới thảm họa cho lục địa châu Phi, và mục tiêu 30%-35% dân số châu Phi được tiêm chủng vào cuối năm nay sẽ không đạt được.

DẠ THẢO
TTO