24/11/2024

Đưa kiến thức về stress đến với học sinh

Đưa kiến thức về stress đến với học sinh

“Ngỏ” là dự án của một nhóm sinh viên năm 2 khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thành lập vào tháng 3-2021. “Ngỏ” hoạt động với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề tâm lý học đường cho học sinh THPT.

 

Đưa kiến thức về stress đến với học sinh - Ảnh 1.

Dự án “Ngỏ” trong lần đến với học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Quảng Trị) – Ảnh: Dự án cung cấp

Bằng những hoạt động cụ thể, nhóm sẽ giúp học sinh hiểu và giải quyết được những vấn đề tâm lý thường gặp.

Từ những vấn đề bản thân gặp phải

Dự án bắt nguồn từ chính những vấn đề tâm lý mà các bạn trong nhóm đã gặp phải khi còn học THPT. Bạn Đinh Thị Huệ Anh – trưởng nhóm – chia sẻ bản thân từng có khoảng thời gian sợ đến trường, sợ bước ra đường nhưng không định nghĩa được mình đang gặp vấn đề gì và cũng không tìm được một địa chỉ uy tín nào để được hỗ trợ.

“Mình đã rất khó khăn để tự vượt qua khoảng thời gian đó và cảm thấy rằng các bạn học sinh không đáng để phải một mình chống chọi với các vấn đề tâm lý” – Huệ Anh tâm sự.

“Ngỏ” lần lượt đi đến ba trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị (12-4); THPT chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng (19-4) và THPT Quang Trung, Tây Ninh (26-4).

“Đây là những trường mà thành viên trong nhóm từng theo học. Do vậy nhóm hiểu rằng các kiến thức tâm lý học đường ở đó chưa thật sự được quan tâm, cũng như chưa có phòng tham vấn tâm lý hoặc phòng tham vấn tâm lý hoạt động không hiệu quả” – bạn Bạch Mã Minh Thư (điều phối mảng nội dung) cho biết.

Nhiều hoạt động bổ ích

Tại các trường, “Ngỏ” chia sẻ chủ đề “Stress học đường – Căng thẳng, ngỏ lời thẳng thắn?” với những kiến thức như: Khái niệm về stress? Tại sao học sinh cấp III lại dễ gặp stress? Khi nào stress được xem là có lợi và có hại?… Không dừng lại ở việc đề cập lý thuyết, nhóm còn hướng dẫn phương pháp “chánh niệm hơi thở” – một phương pháp đơn giản để giảm stress.

Ngoài ra, nhóm còn thiết kế và dán những bản infographic về stress và những vấn đề tâm lý khác tại bảng thông báo của trường để giáo viên, các bạn học sinh tiện tìm hiểu.

Bản thân là những cựu học sinh, nhóm nhận được nhiều sự tin tưởng và hỗ trợ đến từ phía nhà trường. “Thầy cô rất mong muốn có nhiều hoạt động liên quan đến tâm lý được tổ chức tại trường và việc sinh viên ngành tâm lý học là người tổ chức đã thật sự tạo được sự tin cậy” – thầy Phan Đình Trình, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), bày tỏ.

Sau khi kết thúc hành trình tại ba trường, nhóm tiếp tục phát triển dự án qua hòm thư online fanpage “Ngỏ”. “Không chỉ dành cho học sinh cấp III, hòm thư online còn dành cho tất cả mọi người vì ai cũng xứng đáng được chia sẻ và được lắng nghe. Với Ngỏ, chỉ cần mọi người cảm thấy an toàn là được” – trưởng nhóm nói.

Bài thi của môn thành dự án cộng đồng

ThS Nguyễn Ngọc Vui (giảng viên khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) khá bất ngờ khi các bạn sinh viên đưa bài thi của môn dự án cá nhân trở thành một dự án cộng đồng.

“Nhóm đã chuẩn bị kỹ lưỡng về các bước thực hiện dự án, đặc biệt là sự chỉn chu về kiến thức. Với tôi, đây là một hoạt động rất nhân văn và thiết thực. Hiện nay, các bạn học sinh, sinh viên quan tâm nhiều đến việc trang bị kiến thức, tuy nhiên đời sống bên trong lại khá căng thẳng. Đối diện với các vấn đề tâm lý, các bạn vẫn chưa biết cách vượt qua” – cô Vui nhận xét.

TƯỜNG VI – PHỐ HƯƠNG
TTO