Học sinh lớp 9 và lớp 12 ôn thi thế nào cho hiệu quả?
Học sinh lớp 9 và lớp 12 ôn thi thế nào cho hiệu quả?
Học sinh lớp 9 và lớp 12 đang trong thời gian ôn thi để chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Vậy các em phải học ôn thi thế nào để mang lại hiệu quả cao?
Làm trắc nghiệm nhiều để tăng tính phản xạ
Chia sẻ về cách học dành cho thí sinh chuyên về khối A (toán, lý, hóa) làm sao đạt hiệu quả cao, Đỗ Ngọc Thành Danh, thủ khoa khối A của tỉnh Đồng Nai trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và hiện là sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, lưu ý: “Về lý thuyết, đặc biệt là môn lý và môn hóa các em phải học thật nhuần nhuyễn, đọc kỹ sách giáo khoa. Song song đó là làm trắc nghiệm lý thuyết nhiều để tăng tính phản xạ, nên luyện theo chuyên đề sau đó luyện tổng hợp. Về phần bài tập, nên vừa giải đề thi thử vừa ôn tập lại các dạng bài theo chuyên đề. Nếu điểm thi thử không được tốt, nên dừng luyện đề và ôn tập lại kiến thức các chương thật kỹ, khi thấy ổn thì quay lại vừa giải đề”.
|
Từng đoạt huy chương bạc Olympic tháng 4 môn ngữ văn khối 11 TP.HCM năm 2018; giải nhì học sinh giỏi môn văn TP.HCM năm học 2018-2019, Nguyễn Ngọc Phương Thảo, hiện là sinh viên năm 2 của Học viện Cán bộ TP.HCM, khẳng định: “Môn văn là một trong những môn chính và không ít học sinh hay lo lắng về môn học này trong các kỳ thi. Nhưng em nghĩ, học văn không khó”.
Theo Phương Thảo, khi làm văn chúng ta không nên đọc văn mẫu, vì khi đó ý văn của chúng ta rất dễ bị cạn hoặc cuốn theo lời văn của người khác. Học văn là tự khai thác suy nghĩ, cảm nhận của mình… Để làm tốt môn văn, Phương Thảo đúc kết: “Đi đúng, đi thẳng để tránh lạc ý; Viết ngắn gọn, đủ ý, tránh lan man”.
Đừng học theo kiểu cày ngày, cày đêm
Thông thường, khoảng thời gian “chạy nước rút” của các kỳ thi, học sinh hay học theo kiểu cày ngày cày đêm để mong nạp được nhiều kiến thức. Tuy nhiên, theo các bạn sinh viên và chuyên gia, học sinh cần phải có cách học hợp lý mới mang lại hiệu quả cao.
|
Theo Nguyễn Văn Thái, sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giống như việc học ở trường sau mỗi tiết học đều phải có giờ nghỉ giải lao, cho nên các bạn cũng cần dành một ít thời gian chăm chút cho sức khỏe để có thể tiếp tục bài học đạt hiệu quả cao nhất.
“Sau một tiếng đồng hồ học tập, các bạn nên đứng dậy và tìm một nơi thoáng đãng để thư giãn. Chỉ cần làm như vậy trong vòng vài phút rồi quay trở lại học bài, các bạn sẽ thấy có hiệu quả hơn”, Thái chia sẻ.
Trong khi đó, Lê Thị Quỳnh Như, sinh viên Trường ĐH Y dược Cần Thơ, cho rằng trong quá trình học tập, ngoài sự tập trung suy nghĩ thì mắt của bạn cũng phải làm việc hết công suất. Khi ấy, mắt dễ bị mỏi, suy giảm thị lực nhanh chóng nếu bạn không dành thời gian cho mắt “giải lao”. “Khi nghỉ giải lao, bạn không nên tiếp xúc với máy tính hay điện thoại, vì như thế chẳng khác nào bạn bắt mắt phải tiếp tục làm việc”, Quỳnh Như khuyên.
Thạc sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), cho rằng lượng kiến thức học sinh nạp vào là một quá trình tích lũy lâu dài chứ không phải chỉ ngày một ngày hai mà có được. “Chính vì vậy, để ôn tập kiến thức các em cần ôn tập theo hệ thống từng bài, từng chương và từng môn. Nghĩa là dành thời gian ôn tập để hiểu và nắm bắt nội dung từng bài học. Ôn tập xong bài này rồi hẳn chuyền sang bài khác, ôn tập hết chương này rồi hãy chuyển sang chương khác, ôn tập hết môn này rổi chuyển sang môn khác. Đừng học theo kiểu lung tung, ngẫu hứng, thiếu hệ thống”, thạc sĩ Minh Hải nói.
|
Thạc sĩ Minh Hải chia sẻ: “Học sinh cần tìm cho mình một nơi yên tĩnh để ôn bài. Tùy điều kiện của gia đình mà học sinh cần có một nơi yên tĩnh như phòng riêng, phòng khách, thư viện… để ôn bài. Có thể ôn bài một mình hoặc ôn bài theo nhóm 2, 3 bạn. Cái lợi của ôn bài chung giúp các em bù đắp cho nhau, bởi em mạnh môn này nhưng lại yếu môn kia và ngược lại”.
LÊ THANH
TNO