Luật chồng chéo, đại học vẫn tuyển cao đẳng
Luật chồng chéo, đại học vẫn tuyển cao đẳng
Bất chấp Luật giáo dục đại học (ĐH) 2018 quy định các trường ĐH không được đào tạo cao đẳng, năm 2021 Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội và Học viện Hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục tuyển sinh và đào tạo hệ này.
Năm nay Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội tuyển sinh 3 ngành bậc cao đẳng (CĐ): công nghệ may, sửa chữa thiết bị may và thiết kế thời trang. Trong khi đó, Học viện Hàng không Việt Nam tuyển 390 chỉ tiêu cho 6 ngành bậc CĐ. Đây là hai trường ĐH cuối cùng còn tuyển bậc CĐ.
Chưa có văn bản cấm?
Luật giáo dục ĐH 2018 quy định các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH gồm ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Đại diện Học viện Hàng không Việt Nam cho rằng trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (ngày 19-9-2017) và giấy này vẫn còn hiệu lực. Hơn nữa cũng chưa có văn bản nào cấm trường ĐH tuyển sinh CĐ. Trường hiện đang xin cơ chế đặc thù.
Trước đó, tháng 3-2020, Học viện Hàng không Việt Nam có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải (bộ chủ quản) về việc xin cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực hàng không bậc CĐ. Tháng 4-2020, bộ này có văn bản trả lời trường. Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 và nghị định 143/2016 của Chính phủ, học viện đã được cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp năm 2017 nên đủ điều kiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ CĐ theo quy định của pháp luật.
Bốn tháng sau khi có công văn cho rằng Học viện Hàng không Việt Nam được tuyển sinh, đào tạo CĐ, ngày 12-8-2020 Bộ Giao thông vận tải mới có công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị xem xét, tạo điều kiện để học viện này có thể được tiếp tục đào tạo CĐ theo giấy chứng nhận đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp trước đây.
Trong công văn này, Bộ Giao thông vận tải nhắc đến văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị Học viện Hàng không Việt Nam ngừng tuyển sinh 6 ngành CĐ. Từ đó, bộ này nhắc đến vai trò, vị trí của học viện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, là đơn vị duy nhất trực thuộc bộ này đào tạo nhân lực chuyên ngành hàng không.
Với đặc thù nhân lực ngành, nếu Học viện Hàng không Việt Nam không được tiếp tục tuyển sinh 6 ngành CĐ trong khi chưa có cơ sở đào tạo những chuyên ngành này, ngành giao thông vận tải sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, nguồn lực giảng viên lãng phí.
Đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn chưa có văn bản trả lời công văn này. Trong khi đó, một trường CĐ ngoài công lập đang có hồ sơ xin phép mở các ngành đào tạo tương tự như các ngành bậc CĐ tại Học viện Hàng không Việt Nam.
Mỗi luật một kiểu
Tháng 11-2016, hệ thống trường CĐ chính thức chuyển giao về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Ở giai đoạn này, trong số các luật điều chỉnh hoạt động, tuyển sinh CĐ, ĐH, Luật giáo dục nghề nghiệp được ban hành sớm nhất, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Luật này quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường CĐ.
Tuy nhiên, ở điều khoản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp lại quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện. Đó là lý do gần 50 trường ĐH đăng ký và được cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp – tức đào tạo CĐ. Như vậy, ngay trong chính Luật giáo dục nghề nghiệp đã có sự chồng chéo.
Ba năm sau, Luật giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung năm 2018 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019). Luật này quy định các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH bao gồm trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ, hoàn toàn không có bậc CĐ. Đây chính là lý do ngày 17-7-2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn đề nghị 45 trường ĐH dừng tuyển sinh CĐ, trong đó có Học viện Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó bộ này có văn bản cho phép 45 trường này được tiếp tục tuyển sinh CĐ năm học 2019-2020 để đảm bảo quyền lợi người học.
ĐH phải dừng đào tạo CĐ trước năm 2020
Khi trường CĐ còn thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc cắt giảm chỉ tiêu, tiến đến dừng tuyển sinh, đào tạo CĐ của các trường ĐH đã được Bộ quy định trong thông tư 32 năm 2015 về xác định chỉ tiêu. Theo thông tư này, cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo CĐ mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020.
Làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Hà, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế – thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết vì năm 2019 các trường đã thực hiện tuyển sinh nên để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và các trường, tổng cục đã quyết định cho phép các trường tiếp tục tuyển sinh.
Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2020, tất cả các trường ĐH phải dừng tuyển sinh CĐ. Những trường đã tuyển sinh CĐ trước ngày này được tiếp tục đào tạo đến khi sinh viên tốt nghiệp. Sau ngày này, trường không được tuyển mới, trường nào làm sai, cố tình làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm.