27/12/2024

Vì sao vẫn nên tiêm vắc xin AstraZeneca?

Vì sao vẫn nên tiêm vắc xin AstraZeneca?

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7-4 đều kết luận có thể có liên hệ giữa tình trạng đông máu với vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca song lợi ích của việc tiêm vắc xin vẫn lớn hơn rủi ro.

 

Vì sao vẫn nên tiêm vắc xin AstraZeneca? - Ảnh 1.

Một phụ nữ được tiêm vắc xin AstraZeneca ngay trong xe hơi tại thị trấn Schwelm thuộc bang North Rhine-Westphalia, Đức ngày 7-4-2021 – Ảnh: REUTERS

Theo Đài BBC, sau khi nghiên cứu 86 trường hợp bị đông máu ở châu Âu với 18 trường hợp tử vong trong số 25 triệu liều vắc xin AstraZeneca đã tiêm, EMA kết luận lợi ích của vắc xin AstraZeneca vẫn vượt trội so với rủi ro.

Biến chứng rất hiếm gặp

EMA khuyến cáo tác dụng phụ này cần ghi vào nhóm tác dụng phụ rất hiếm của vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Dù nhiều nước đã ngừng sử dụng vắc xin này cho người dưới 30, 55, 60 hoặc 65 tuổi và hầu hết các trường hợp bị đông máu được ghi nhận tới nay là phụ nữ dưới 60 tuổi nhưng theo bà Emer Cooke – giám đốc EMA, hiện chưa có bằng chứng về các yếu tố nguy cơ cụ thể như tuổi tác, giới tính hay tiền sử bệnh tật.

Không lâu sau khi EMA đưa ra kết luận của mình, tiểu ban của Ủy ban Tư vấn toàn cầu của WHO về an toàn vắc xin (GACVS) cũng kết luận có liên hệ giữa việc tiêm vắc xin AstraZeneca với tình trạng đông máu nhưng chưa khẳng định được mức độ nguy cơ.

GACVS đề xuất triệu tập cuộc họp của các chuyên gia lâm sàng, trong đó có bác sĩ huyết học, để tư vấn về chẩn đoán lâm sàng cũng như xử lý các trường hợp biến chứng nặng. Đồng thời đề nghị tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để khẳng định vấn đề này.

Theo GACVS, “những trường hợp bị đông máu đang được đánh giá là rất hiếm. Trong số 200 triệu người trên thế giới đã được tiêm vắc xin AstraZeneca, tỉ lệ ca gặp biến chứng đông máu là rất thấp”. Do đó, cơ quan này khuyến nghị tiếp tục triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca vì lợi ích của tiêm vẫn lớn hơn nhiều so với những rủi ro có thể xảy ra.

Theo công bố của AstraZeneca, vắc xin của họ có hiệu quả bảo vệ 76%, gồm 2 liều, sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên.

Với các kết luận của các cơ quan chuyên môn quốc tế và các nước, quyền quyết định có tiếp tục sử dụng vắc xin của AstraZeneca hay không và ai không nên tiêm vắc xin này tùy thuộc vào từng chính phủ.

Đây là một quyết định mang tính chiến lược, có thể phụ thuộc nhiều và khả năng tiếp cận các nguồn thay thế. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các nước đều nhận ra một lộ trình tiêm vắc xin rõ ràng là điều rất quan trọng để thoát khỏi đại dịch.

Vẫn dùng vắc xin AstraZeneca

Ngày 7-4, sau khi EMA công bố kết luận và Anh khuyến cáo không dùng vắc xin này cho người dưới 30 tuổi, cơ quan y tế của Mexico và Brazil cho biết sẽ vẫn không hạn chế sử dụng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca với bất cứ độ tuổi nào mặc dù cũng sẽ tham vấn lại ý kiến của các chuyên gia trong nước.

Tương tự, ngày 8-4, Úc xác nhận sẽ vẫn sử dụng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca cho chương trình tiêm chủng trong nước. Cơ quan quản lý dược và nhóm cố vấn về tiêm chủng ở Úc được yêu cầu điều tra gấp về những phát hiện của EMA và cập nhật cho Thủ tướng Scott Morrison trong cùng ngày.

Theo Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt, mỗi nước có quyền đưa ra những hạn chế về độ tuổi khác nhau, nhưng tinh thần là nếu các nước khác đã đưa ra khuyến cáo về độ tuổi hoặc nguy cơ khác, Úc có thể sẽ áp dụng theo.

Chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho gần 26 triệu dân ở Úc phụ thuộc chủ yếu vào vắc xin của AstraZeneca và hiện chương trình này đã bị chậm tiến độ đến 80%.

Còn theo Hãng tin Yonhap, ngày 8-4, do xuất hiện 700 ca bệnh mới, con số cao nhất trong vòng 3 tháng qua, Hàn Quốc đã quyết định tiếp tục triển khai tiêm vắc xin AstraZeneca sau một ngày ngừng sử dụng vắc xin này với những người dưới 60 tuổi.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ vẫn dùng vắc xin của AstraZeneca. Tuy nhiên, theo Đài BBC, những thông điệp khác biệt đôi chút giữa các chính phủ có thể phần nào làm tăng thêm sự ngần ngại ở người dân.

Chẳng hạn, trong khi Anh đưa ra giới hạn 30 tuổi thì không ngạc nhiên khi nhiều người có thể đặt câu hỏi tại sao Đức, Thụy Điển, Hà Lan… lại chọn những độ tuổi khác. Hiện tại Thụy Điển, Phần Lan sử dụng vắc xin của AstraZeneca cho người từ 65 tuổi trở lên. Hà Lan, Đức dùng cho người từ 60 tuổi trở lên.

Nhiều lựa chọn vắc xin giúp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Trang Axio cho rằng nhiều tháng qua, lời khuyên của các chuyên gia là cứ tiêm khi đến lượt, loại nào cũng được. Tuy nhiên, thực tế là nếu cho người dân được quyền lựa chọn loại vắc xin muốn tiêm, tỉ lệ tiêm chủng sẽ cao hơn vì điều này tạo ra tâm lý thoải mái ở những người còn ngần ngại.

Chẳng hạn, những người bận rộn sẽ muốn chọn tiêm vắc xin của Johnson & Johnson vì chỉ phải đi tiêm một lần. Tuy nhiên, đây cũng là một quyết định chiến lược và có thể phản tác dụng, trong trường hợp số ca nhiễm tăng cao kết hợp với biến thể mới, chúng ta không có thời gian để trì hoãn hay kén cá chọn canh.

HỒNG VÂN
TTO