Nước lớn ủng hộ, nước nhỏ sợ thuế doanh nghiệp tối thiểu
Nước lớn ủng hộ, nước nhỏ sợ thuế doanh nghiệp tối thiểu
Đế xuất cùng áp mức thuế tối thiểu lên các doanh nghiệp do Mỹ khởi xướng nhận được sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nước lớn, song nhiều nước nhỏ lo ngại giảm sức hút đầu tư.
“Một thỏa thuận toàn cầu về thuế quốc tế đang trong tầm tay. Chúng ta phải nắm lấy cơ hội lịch sử này”, Hãng tin Reuters ngày 6-4 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định về đề xuất mà người đồng cấp Mỹ Janet Yellen đưa ra đầu tuần này (5-4).
Bà Yellen cho biết bà sẽ thúc đẩy thực thi thỏa thuận đó trong nhóm các nền kinh tế G20.
“Chúng ta có thể cùng nhau áp dụng một mức thuế tối thiểu trên toàn cầu để đảm bảo kinh tế toàn cầu phát triển trên một sân chơi bình đẳng hơn trong việc đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia”, bộ trưởng Mỹ nói. Nhóm này có thể đưa ra một đề xuất vào tháng 7-2021.
Ý tưởng của Mỹ là nhằm áp một mức thuế tối thiểu chung cho các doanh nghiệp dù họ đặt ở đâu, nhằm ngăn các công ty trốn thuế bằng cách đặt trụ sở ở những nước có thuế doanh nghiệp thấp. Đây là “thủ thuật” thường được các tập đoàn đa quốc gia áp dụng thời gian qua.
“Tôi rất tin tưởng với sáng kiến thuế doanh nghiệp này, chúng ta sẽ chấm dứt cuộc chạy đua xuống đáy về thuế trên toàn thế giới”, Hãng tin Reuters ngày 6-4 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính của Đức nhấn mạnh bất cứ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm các quy tắc về cách đánh thuế hoạt động kinh doanh xuyên biên giới của các gã khổng lồ công nghệ.
Ủy ban châu Âu cũng đã bắn tín hiệu ủng hộ đề xuất này. Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bày tỏ quan tâm tới ý tưởng, cho rằng nạn trốn thuế đang là vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu.
Hiện chưa có mức thuế sàn cụ thể nào được đưa ra nhưng một số ý kiến dự đoán sẽ từ 12,5% đến 21%.
Tại Mỹ, trái với chính sách giảm thuế doanh nghiệp của người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Joe Biden tuần trước đã đề xuất tăng thuế doanh nghiệp lên 28% để trang trải cho gói đầu tư hạ tầng và việc làm trị giá hơn 2.000 tỉ USD.
Washington cũng muốn áp thuế tối thiểu 21% lên các công ty Mỹ, bất kể doanh thu của họ đến từ nước nào.
Tuy nhiên, một mức thuế tối thiểu chung cũng được cho là sẽ chấm dứt cạnh tranh về thuế để thu hút đầu tư. Và điều này khiến nhiều nước nhỏ, vốn thường áp dụng mô hình thuế thấp để thu hút đầu tư, lo ngại.
“Đại dịch [COVID-19] đã thôi thúc thêm mong muốn thay đổi vì các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang tìm cách tăng thu thuế trong những năm tới”, bộ trưởng tài chính Ireland, cũng là bhủ tịch Eurogroup – Nhóm các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU), ông Paschal Donohoe, nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Magdalena Andersson cho rằng dù ý tưởng của Mỹ là tốt nhưng vẫn còn “một chặng đường dài” phía trước.
Theo Hãng tin AFP, việc cải tổ thuế có thể thành hiện thực nếu đạt được 2 yếu tố: thống nhất được mức thuế tối thiểu và lập một cơ chế để đánh thuế doanh nghiệp trên lợi nhuận tại mỗi quốc gia dù họ đặt trụ sở ở đâu.