26/12/2024

Sài Gòn bao dung – TP.HCM nghĩa tình: Có cơm thì nhường người chút cháo

Sài Gòn bao dung – TP.HCM nghĩa tình: Có cơm thì nhường người chút cháo

Sài Gòn cứ thế vồng lên, thành phố căng từng thớ thịt, nhẫn nhục và dè dặt đón nhận hết ca tụng lẫn chì chiết. Nhưng sự khốn đốn ấy lại không làm thành phố nổi nóng. Ngược lại, bạn sẽ giống tôi thôi, thể nào cũng mến Sài Gòn.

 

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Có cơm thì nhường người chút cháo - Ảnh 1.

Xe buýt ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ai “chơi được” với Sài Gòn hẳn là không bao giờ chối bỏ bất kỳ đặc tính nào của xứ này, họ tiếp nhận cả tinh túy, lẫn tạp nhiễm. Sài Gòn bao dung hay chính những người đến đây đã hóa thành một đô thị rộng lòng?

Đâu phải đến bây giờ, khi trở thành thủ phủ kinh tế của miền Nam, TP.HCM mới được dành tặng riêng những mỹ từ như phóng khoáng hay tử tế.

Trong “Sài Gòn năm xưa”, cụ Vương Hồng Sển đã nhắc cho chúng ta nhớ, Sài Gòn từng dung nạp những chú Hỏa, chú Hỷ đến các ông thông ngôn ký lục, những me Tây, vợ Tây…

Tận giờ này, thủy chung thành phố vẫn thế, mỗi năm đều kết nạp những gương mặt mới, khéo cắt đặt họ trong vài mét vuông trên thân thể chật chội của mình.

Thành phố cứ thế vồng lên, thành phố căng từng thớ thịt, nhẫn nhục và dè dặt đón nhận hết ca tụng lẫn chì chiết. Nhưng sự khốn đốn ấy lại không làm thành phố nổi nóng. Ngược lại, bạn sẽ giống tôi thôi, thể nào cũng mến Sài Gòn bởi những điều dễ thương đến lạ kỳ!

Nói khách chờ chuyến sau

Lần nọ, tôi đón xe buýt số 05 ngay Bưu điện quận 5 qua Hàng Xanh xử lý công việc. Vì giữa trưa, xe ít khách nên tôi chọn ngồi ghế đầu, ngay sau lưng tài xế. Lúc gần tới Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi nghe bác tài nói lớn với anh soát vé:

– Nói khách chờ chuyến sau nha cưng!

Xe chầm chậm ghé trạm, cửa mở, anh soát vé nhoài ra ngoài: “Hơn mười phút nữa xe sau rước, nha!”. Cửa trước đóng lại, trong chớp nhoáng đó, qua lớp kính, tôi kịp thấy gần chục khách đang tuột lại phía sau.

Xe ra khỏi trạm, anh soát vé vừa lẩm nhẩm gì trong miệng, cất giọng hướng về phía bác tài:

– Nay chưa đủ chỉ tiêu nha chú!

Tôi ngước lên gương hậu trung tâm chờ nghe bác tài giải thích. Trong gương là một người đàn ông chừng năm mươi, đôi mắt sáng và khuôn miệng chực cười. Ông cất tiếng trong khi mắt vẫn không ngừng tập trung và đôi tay ôm vô lăng điệu nghệ:

– Để chục khách này cho thằng K. kiếm chút, giờ này xe nó theo sau xe mình lúc nào cũng trống trơn. Năm trăm vé quay đầu là ngon rồi, mình ăn cơm, để anh em kiếm chút cháo. Ăn hết tức bụng chớ sướng gì!

Nghe vậy, mặt anh lơ giãn ra đôi chút. Phần mình, tôi bỗng nhớ hai câu thơ đã đọc được trong quyển sách viết về Sài Gòn: “Chưa đi xe buýt giữa thành đô / Hãy thử mà coi khoái thấy mồ”.

Thì ra cái “khoái thấy mồ” là khoảnh khắc tôi được chứng kiến biểu hiện của lòng từ và sự sẻ chia trên chuyến xe đong đầy tình nghĩa ấy.

Thành phố này như cái máy nổ bánh ống

Đã nhiều lần tôi vụng nghĩ, nếu viết bài chứng minh Sài Gòn bao dung hay TP.HCM nghĩa tình thì xài bao nhiêu luận chứng cho đủ. Nói bao nhiêu cũng thấy ít, viết có nhiều cũng không thể tròn đầy.

Anh bạn tôi, đêm trước còn ngồi ở quận 1, từ tốn uống từng ly bia Bỉ mà phục vụ đem lên, thế mà đêm sau anh lại chui vô quán nhậu bình dân ở Gò Vấp, cầm cái tẩy nhựa dơ hầy, cụng ly hô dzô dzô rồi nốc cạn trơ đá.

Gần sân tennis chỗ tôi ở một gia đình nọ, họ xây nhà và chừa một khoảng rộng. Họ đổ nền cao, lót gạch sạch sẽ, làm mái che để người bán vé số, người mua đồng nát có chỗ nghỉ trưa.

Bao nhiêu chuyện lạ mà thành phố không hề ý kiến, không hỏi sao anh chị sống dị kỳ. Sài Gòn như cô vợ hiền đang chứng kiến anh chồng đao to búa lớn rồi thút thít khóc trên bàn nhậu. Cổ chỉ bưng đĩa mồi mới đặt lên bàn, nở nụ cười rồi quay xuống bếp chứ chẳng hạch hỏi lôi thôi.

Có bữa “anh” tỉnh dậy, chê trách cô vợ “Sài Gòn” rằng sống với em mà tôi phải nhớ nhung quê cũ. Sài Gòn khi ấy, chịu đựng và vỗ về anh bằng câu vọng cổ vọng về từ rạp Nguyễn Văn Hảo hay một tiếng huýt sáo trong đêm.

Thành phố này cho anh những bữa cơm hai ngàn, cho anh từng ly trà đá miễn phí, từng cái khẩu trang để anh vững vàng qua mùa COVID. Thành phố kể anh nghe câu chuyện người đàn ông nạn nhân bị tạt đầu ôtô, không những không truy cứu mà lại mua xe mới tặng cho người gây va quẹt.

Khi biết thương cô vợ “Sài Gòn” thật thà, chịu khó thì anh sẽ thấy cô ấy đã cắt đi muôn phần đẹp đẽ trên cơ thể của mình: những rạp hát sáng đèn, những bùng binh nhộn nhịp, một thương xá hơn 100 năm tuổi… để anh có chỗ mà neo đậu, sáng tạo, vẫy vùng.

Thủy chung, Sài Gòn như cái máy nổ bánh ống, đầu này đón lấy mớ vật chất hổ lốn nằm ngổn ngang, đầu kia lại cho ra những tâm hồn dễ cảm thông, sẵn lòng cho hết không cần tính toán.

PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG
TTO