26/12/2024

Hành khách dùng smartphone có thực sự gây nguy hiểm cho máy bay?

Hành khách dùng smartphone có thực sự gây nguy hiểm cho máy bay?

Tắt nguồn điện thoại di động (smartphone) và các thiết bị điện tử là thông báo mà hành khách thường được yêu cầu trên các chuyến bay. Nhưng thực sự thì có phải mọi thiết bị điện tử hay điện thoại di động đều đe doạ an toàn của máy bay?
Các hãng hàng không được tự quyết định về quy định sử dụng smartphone trên máy bay /// Ảnh: Shutterstock
Các hãng hàng không được tự quyết định về quy định sử dụng smartphone trên máy bay  ẢNH: SHUTTERSTOCK
Theo các chuyên gia ngành hàng không, cất cánh và hạ cánh là 2 giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất trong suốt quá trình bay. Đó là khi phi hành đoàn và đài không lưu cần phải liên tục trao đổi thông tin, cùng nhau phối hợp nhịp nhàng.

Vơ đũa cả nắm

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) cho rằng sóng điện thoại (smartphone) của người dùng trên máy bay có thể gây gián đoạn liên lạc giữa phi công và người kiểm soát không lưu, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc các hãng hàng không trước đây quy định cấm sử dụng thiết bị điện tử trên máy bay.
Tuy nhiên, cũng vì nguyên nhân mơ hồ rằng “có thể uy hiếp an toàn bay”, dẫn tới quy định có phần vơ đũa cả nắm như “cấm sử dụng thiết bị điện tử”.

Quy định khác nhau

Hiện nay, các hãng hàng không đã đưa ra quy định khá khác nhau về việc sử dụng điện thoại di động trên máy bay. Đơn cử như nhiều hãng hàng không quy định được dùng điện thoại khi đã chuyển sang chế độ máy bay (đã ngắt sóng di động) trên chuyến bay.
Đối với Hãng hàng không Emirates thì hành khách lại được phép thực hiện cả cuộc gọi điện thoại trên một số chuyến bay thương mại. Đa phần đều không còn yêu cầu hành khách tắt điện thoại, nhưng vẫn sẽ yêu cầu chuyển sang chế độ máy bay, có thể là lúc cất, hạ cánh hoặc cả chuyến bay.

Qua nhiều năm, các cơ quan an toàn hàng không, hãng hàng không, tập đoàn sản xuất máy bay và tất cả mọi người đều nhận thức được rằng khái niệm “các thiết bị điện tử” đang ngày ít lại.

Về bản chất, chỉ có sóng điện từ mới tiềm ẩn nguy cơ gây can nhiễu tín hiệu liên lạc giữa phi công và đài không lưu, nên thiết bị có tính chất đó cuối cùng chỉ là “điện thoại di động và laptop có hỗ trợ gắn sim di động”, đồng thời nguy cơ tiềm ẩn chỉ đến khi thiết bị kết nối với mạng di động.
Còn lại, các thiết bị sử dụng sóng tầm gần như bluetooth, wifi không tạo nên mối đe dọa. Không thể nào máy bay gặp sự cố chỉ vì có hành khách nào đó đeo tai nghe không dây nghe nhạc hoặc đọc sách điện tử bằng thiết bị Kindle của Amazon.
Dưới góc độ vận hành và kinh doanh của hãng hàng không, có một số lý do khả dĩ để giải thích cho những quy định nói trên. Đầu tiên, số lượng hành khách trên mỗi chuyến bay lên tới hàng trăm người. Đội tiếp viên bận rộn không có thời gian, cũng không đủ kiến thức chuyên môn để “thẩm định” tất cả các thiết bị của hành khách. Việc quy định tắt các thiết bị điện tử sẽ là lựa chọn an toàn hơn, đồng thời cũng tạo điều kiện cho hành khách tập trung chú ý các chỉ dẫn, triển khai thông tin trước khi bay.
Có ý kiến cho rằng việc cấm sử dụng điện thoại di động trên máy bay sẽ giúp hạn chế tiếng nói chuyện ồn ào không đáng có. Hãng viễn thông AT&T (Mỹ) từng nhận định việc hạn chế sử dụng điện thoại di động trên máy bay nên được áp dụng để giảm phiền toái cho các hành khách khác khi có ai đó nói chuyện điện thoại gần họ.
Cũng có giả thuyết cho rằng các hãng bay áp dụng quy định này để hành khách không còn lựa chọn nào khác là phải sử dụng dịch vụ điện thoại Airfone được cung cấp trên máy bay. Giá cước của dịch vụ này cũng sẽ đắt hơn nhiều so với cước di động thông thường.

Các hãng hàng không tự quyết

Đến năm 2013, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã có một thông báo chính thức “cho phép các hãng hàng không mở rộng việc sử dụng thiết bị điện tử cá nhân” trong khuôn khổ an toàn trong mọi giai đoạn của chuyến bay.
Danh sách các thiết bị điện tử theo quy định của FAA không bao gồm việc sử dụng điện thoại di động để thực hiện cuộc gọi trong quá trình bay. Qua đó cho thấy bản chất của vấn đề cũng đã được cơ quan pháp lý nhìn nhận và làm sáng tỏ.
Sau tuyên bố này của FAA, các hãng hàng không của Mỹ và sau đó tại nhiều nước khác dần nới lỏng hơn việc sử dụng thiết bị điện tử nói chung và điện thoại di động nói riêng trên các chuyến bay. FAA cho phép các hãng hàng không tự quyết định thiết bị điện tử nào được dùng trên máy bay.
Hầu hết các hãng hàng không đều tuân thủ theo hướng dẫn của FAA rằng chỉ được dùng smartphone khi máy bay ở độ cao hơn 3.000 m (giai đoạn đã ổn định độ cao).
ĐOÀN ĐỨC
TNO