05/01/2025

Người Sài Gòn tánh lạ tánh kỳ, dễ thương đến độ kiên trì dễ thương

Người Sài Gòn tánh lạ tánh kỳ, dễ thương đến độ kiên trì dễ thương

Cái hồi mới vô TP.HCM trọ học, tôi không nghĩ là gắn chặt miền đất này lâu. Vậy mà tôi “bị” những trái tim hồn hậu, nghĩa tình, bao dung của người Sài Gòn gây thương gây nhớ.

 

Người Sài Gòn tánh lạ tánh kỳ, dễ thương đến độ kiên trì dễ thương - Ảnh 1.

Trái tim ấm áp, hồn hậu của Nguyễn Đỗ Trúc Phương đã giúp rất nhiều mảnh đời khó khăn, yếu thế – Ảnh: N.X.P.

1. Năm 2007. Tối nhập nhoạng. Tôi gặp tai nạn trên đường Lạc Long Quân. Lúc tỉnh lại, tôi thoi thóp trong mớ dây nhợ, máy móc chằng chịt khắp cơ thể. Xung quanh, mấy người “chưa từng gặp, chẳng hề quen” nở những nụ cười hiền hậu, vui mừng nói với nhau: “Nó tỉnh rồi kìa”.

Nhưng ngộ lắm. Tôi có phải người thân gì của họ đâu, mà họ thương tôi, lo cho tôi như máu mủ ruột rà. Tôi nhớ, viện phí lúc đó 8,6 triệu. Biết tôi là sinh viên miền Trung vô TP.HCM trọ học, không có tiền, mấy người xa lạ ấy hùn hạp lại trả giúp.

Mà họ tánh lạ tánh kỳ. Họ hùn hạp tới gần… 12 triệu. Lúc tôi sắp ra viện, họ nhét vô tay số tiền dư, dặn đem về mà mua đồ ăn bồi bổ. Họ dẫn tôi ra chỗ sửa xe gần nơi bị tai nạn. Rồi họ… giành trả luôn tiền sửa xe. Lúc đó, tự nhiên tôi thấy thương ơi là thương dẫu chỉ mới lần đầu gặp gỡ.

Chưa hết. Mấy ngày sau, họ rủ nhau qua phòng tôi trọ ở đường Rạch Bùng Binh. Người đem sữa, người mang trái cây… hỏi thăm tôi có còn đau nhức? Có thì phải đi kiểm tra, khám lại chứ không được chủ quan. Họ dặn ở trong này nếu khó khăn gì nhớ qua kể để còn biết mà giúp nghen chưa.

Chỗ cái hẻm 958 Lý Thường Kiệt đó! Họ nhìn quanh cái phòng trọ, hỏi tôi thuê giá bao nhiêu. Tôi trả lời. Chẳng ai bảo ai, nhưng đều móc tiền hùn lại “lì xì cho một tháng tiền trọ nè”. Hôm đó, một ngày tháng 5 chứ không phải tết, vậy mà vẫn được lì xì. Và hôm đó, nắng Sài Gòn gắt gao như thiêu như đốt, nhưng tôi cảm giác thật dễ chịu và dịu êm.

Tôi kể ba tôi nghe. Ba tôi nói người Sài Gòn là vậy, sống bao dung, dễ thương vô cùng. Còn tôi thì thấy ở miền đất này không những người ta dễ thương, mà còn… kiên trì dễ thương.

2. Tôi có cô bạn dân Sài Gòn chính gốc. Là cô gái Nguyễn Đỗ Trúc Phương mà dân mạng hay gọi bằng những mỹ từ: “cô tiên đẹp người đẹp nết”, “cô gái giàu lòng tốt”… Năm ngoái, biết tin người đàn ông ở Tây Ninh bị rắn hổ mang chúa cắn.

Dù hoàn toàn xa lạ, không họ hàng, bà con, chỉ là người dưng, vậy mà Phương lật đật viết bài đăng lên trang cá nhân Facebook kêu gọi cộng đồng mạng, vận động được hàng trăm triệu giúp đỡ.

Trong cơn thập tử nhất sinh, kiệt quệ, tính mạng người đàn ông tưởng chừng lâm vào bế tắc thì được Phương chìa tay cưu mang… Nhờ vậy, người đàn ông chiến thắng được lằn ranh sinh tử, có cuộc sống ổn hơn.

Trước đó mấy ngày, một “người dưng” khác, là ông xe ôm 61 tuổi, cũng được thụ hưởng lòng tốt của Phương. Cám cảnh cho mảnh đời khó khăn của ông, Phương viết bài đăng trên Facebook, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Bài viết làm rung động bao con tim sống vì người khác.

Để rồi có hàng chục triệu đồng được chuyển đến, nhờ Phương làm cầu nối gieo duyên lành. Phương là cô gái người Sài Gòn chính gốc, nên tánh lạ tánh kỳ. Giúp là giúp tới nơi tới chốn. Chứ giúp lỡ cỡ, giữa chừng là trong lòng… bứt rứt.

Sau cái ngày dẫn ông xe ôm đi mua xe máy, điện thoại, nhiều vật dụng thiết yếu trong cuộc sống…, Phương cảm thấy trên gương mặt khắc khổ của ông vẫn phảng phất nỗi buồn khó tả. Dò hỏi, biết ông đã thất lạc giấy tờ tùy thân gần 40 năm trước.

Vậy là Phương tiếp tục tự nhủ lòng phải giúp nữa. Phương lần mò đủ nơi, tìm từng manh mối để làm lại giấy tờ… Tôi hỏi sao mà tốt tính quá vậy? Phương cười, vì thích sống… bao đồng, vì cái tính thương người đã “ngấm sâu vô máu”.

Lại là người con thành phố này, được thừa hưởng cái “chất” của người Sài Gòn, nên thèm được sống nghĩa tình, bao dung. Chẳng thà không biết thì thôi, chứ khi đã biết ai đó khốn khó, buộc lòng phải giúp, để những mảnh đời cơ cực vượt qua được thời khắc khó khăn.

Tôi nghĩ, sẽ không quá lời nếu nói rằng chính sự giàu lòng bao dung của người Sài Gòn đã khơi gợi lòng trắc ẩn, đánh thức sự thiện lương của biết bao người khác, ở những miền đất khác.

NGUYỄN XUÂN PHƯƠNG

3. Ngẫm lại bao chuyện đã trải qua, đã chứng kiến của gần 15 năm sống ở TP.HCM, tôi chợt nhận ra sự thiện lương là điều mà bất kỳ ai, ở đâu cũng có. Nhưng nếu nói người Sài Gòn giàu có bậc nhất về… lòng tốt thì chắc chẳng ai bắt bẻ.

Tôi nghĩ, sẽ không quá lời nếu nói rằng chính sự giàu lòng bao dung của người Sài Gòn đã khơi gợi lòng trắc ẩn, đánh thức sự thiện lương của biết bao người khác, ở những miền đất khác.

Tôi thấy cuộc sống này như một bức tranh với vô vàn nét vẽ đẹp. Và người Sài Gòn nghĩa tình đã góp thật nhiều nét vẽ đẹp vào bức tranh ấy.

Là những nét vẽ “sống vì cộng đồng” chan chứa yêu thương, giúp cuộc sống này tốt đẹp hơn. Với sự bao dung, nghĩa tình luôn chảy trong huyết quản, tôi tin rồi đây người Sài Gòn sẽ lại tiếp tục viết nên những câu chuyện đầy cảm xúc, đầy tình người.

NGUYỄN XUÂN PHƯƠNG
TTO