28/01/2025

Hết độc quyền, cá tra Việt vẫn đầy lợi thế

Xuất khẩu cá tra đang có nhiều thuận lợi về thị trường, giá nguyên liệu đạt mức cao kỷ lục 35.000 – 36.000 đồng/kg. Đây là thời cơ tốt để VN định vị lại sản phẩm này trước những thời cơ mới.

 

Hết độc quyền, cá tra Việt vẫn đầy lợi thế

Xuất khẩu cá tra đang có nhiều thuận lợi về thị trường, giá nguyên liệu đạt mức cao kỷ lục 35.000 – 36.000 đồng/kg. Đây là thời cơ tốt để VN định vị lại sản phẩm này trước những thời cơ mới.
 
 
 
 

Đây là thời điểm tốt để VN định vị lại sản phẩm cá tra	 /// Ảnh: Công Hân

Đây là thời điểm tốt để VN định vị lại sản phẩm cá tra  ẢNH: CÔNG HÂN

 
Giá cá tra VN xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng từ 3,52 USD/kg năm 2017 lên 4,59 USD/kg (tháng 8), mức cao lịch sử. Một trong những nguyên nhân quan trọng được cho là do sản lượng khai thác tự nhiên của cá thịt trắng ở cùng phân khúc của các nước giảm. Song, ngành này cũng phải đối mặt với thách thức là nhiều nước trong khu vực đầu tư vào lĩnh vực nuôi và chế biến cá tra, VN không còn giữ thế độc quyền một mình một chợ.
 
Nhà nhập khẩu phải đặt cọc tiền

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX (Cần Thơ), vui vẻ: Sau rất nhiều năm khó khăn, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra hiện nay rất tốt. Cái khó hiện nay của nhiều doanh nghiệp (DN) là không có nguyên liệu để sản xuất. Chính vì vậy các nhà nhập khẩu muốn có hàng để bán phải đặt cọc trước để nhà máy sản xuất. Sản phẩm cá tra của chúng ta hiện nay rất dễ bán, hoàn toàn khác với thực trạng cách đây mấy năm tiêu thụ khó khăn, DN cạnh tranh phá giá lẫn nhau. Báo cáo mới đây của Bộ Công thương cho biết, một số DN phải từ chối đơn hàng vì nguyên liệu khan hiếm.

 
Theo ông Kịch, năm 2015, sản lượng cá tra tăng “nóng” đạt tới 1,8 triệu tấn cung vượt cầu nên cả ngành lỗ nặng. Từ đó diện tích nuôi và sản lượng giảm mạnh nên giờ giá tăng trở lại. Về góc độ thị trường, hiện sản lượng các loại cá thịt trắng khai thác cùng phân khúc giảm. Do đó các nhà nhập khẩu tìm đến chúng ta nhiều hơn, nhu cầu tiêu thụ tăng kéo giá tăng. “Tôi cho rằng giá cá tra sẽ duy trì trong khoảng 30.000 – 37.000 đồng/kg đến hết năm 2019”, ông Kịch dự báo.
 
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Uỷ ban Cá nước ngọt của VASEP phân tích cụ thể, trong phân khúc thị trường cá thịt trắng cùng với cá tra của VN có cá Alaska Pollock sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn/năm, cá cod sản lượng 1,8 triệu tấn/năm, cá rô phi sản lượng 4,3 triệu tấn/năm, cá tra khoảng 2,3 triệu tấn/năm. Cá Alaska Pollock, chủ yếu được đánh bắt ở Mỹ và Nga, trong đó sản lượng của Mỹ có xu hướng giảm trong 5 năm tới. Cả Mỹ và Nga đang hướng vào nâng chất lượng sản phẩm thay vì số lượng. Bên cạnh đó, sản lượng cá cod cũng giảm mạnh trong năm nay và kéo dài sang cả năm sau. Đây là cơ hội cho con cá tra của VN.
 
Chưa có đối thủ
 
 
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, các cơ quan nhà nước cần có quy hoạch hợp lý vùng nuôi cá tra và các loài khác, có cơ sở dữ liệu thống kê sản lượng nuôi và có dự báo cho người dân và doanh nghiệp. Các khâu trong chuỗi giá trị nuôi cá tra cần ngồi lại với nhau để xây dựng chiến lược và hình ảnh cá tra VN độc đáo, khác biệt với các nước. Từ đó xây dựng mức giá hợp lý để chuỗi phát triển bền vững, phù hợp với sự chịu đựng của thị trường trong tương quan với các loài cá thịt trắng khác cũng như sự tham gia sản xuất cá tra của các nước trong khu vực”.
 

Đối với cá tra, ngoài VN thì Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc (mới phát triển gần đây, sản lượng còn ít) cũng có ngành nuôi và sản xuất cá tra. Báo cáo điều tra của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) cho biết sản lượng cá tra của Indonesia tăng từ 373.000 tấn năm 2016 lên 437.000 tấn trong năm 2018 và đến năm 2020 là 562.000 tấn. Mới đây, các DN nước này đã ra mắt nhãn hiệu nhắm vào thị trường Trung Đông. Ngoài ra, các nước Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh đều dự kiến sẽ tăng sản lượng.

Sản lượng cá tra của VN hiện chỉ còn khoảng 52% tổng nguồn cung toàn cầu. VN dù vẫn chiếm sản lượng áp đảo nhưng so với những năm trước ngành này ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ “mới nổi”. Nhưng ngành cá tra “non trẻ” của các nước trong khu vực khó cạnh tranh với ngành cá tra đã “trưởng thành” của VN từ nuôi trồng đến chế biến. Ông Kịch phân tích: Họ đã nuôi nhiều năm rồi nhưng chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu rất ít vì khó cạnh tranh về giá và chất lượng với cá tra VN. Chúng ta có lợi thế tự nhiên là dòng sông Mê Kông đổ ra biển, là điều kiện tự nhiên tuyệt vời để phát triển nghề nuôi cá tra mà không nơi nào có được. Cùng là cá nuôi nhưng VN nuôi không có mùi tanh và màu trắng rất đẹp trong khi các nước cá có mùi tanh và thịt vàng.
 
“Vấn đề của chúng ta là làm sao bảo vệ dòng sông không bị ô nhiễm bởi các cơ sở sản xuất công nghiệp như giấy, nhiệt điệt than… Và dù phát triển, trưởng thành hơn các nước nhưng chúng ta cũng phải tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng”, ông Kịch nói.
 
Ông Kịch cho rằng đây là thời điểm tốt để định vị lại sản phẩm sau nhiều năm bị mất hình ảnh vì cạnh tranh phá giá. Một nền sản xuất lớn phải nắm được thông tin thị trường, các sản phẩm cùng phân khúc rồi chủ động điều chỉnh sản lượng cho phù hợp. Trên cơ sở tính toán nhu cầu thị trường đó, chúng ta điều chỉnh sản lượng giảm 20 – 30% để xây dựng lại giá bán. Từ đó chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các khâu trong chuỗi giá trị.
 
 
CHÍ NHÂN