Vì sao các nước Mỹ Latin lệ thuộc vắc xin của Nga dù thân Mỹ?
Vì sao các nước Mỹ Latin lệ thuộc vắc xin của Nga dù thân Mỹ?
Mặc dù được coi là “sân sau” về địa chính trị của Mỹ, các nước ở khu vực Mỹ Latin đang quay sang Nga để mua vắc xin đối phó với đại dịch COVID-19.
Sáu nước gồm Argentina, Bolivia, Mexico, Nicaragua, Paraguay và Venezuela đã cho phép sử dụng vắc xin Sputnik V của Nga. Nhiều nước khác cũng đang xem xét các yêu cầu cấp phép đang ngày càng cấp thiết hơn do sự thiếu hụt vắc xin sẵn có trên toàn cầu.
Eduardo Valdes, cựu quan chức ngoại giao và là chính trị gia ở Argentina, cho biết nhiều nước đã gạt sang một bên các vấn đề nội bộ của nước khác như dân chủ, nhân quyền và chủ yếu quan tâm mua cho được vắc xin.
Trường hợp của Colombia là một điển hình. Colombia là đồng minh khu vực thân cận nhất của Mỹ. Nước này phê duyệt vắc xin Sputnik V – một quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên do mối quan hệ thân thiết giữa một số thành viên của chính phủ liên minh cầm quyền và Đảng Cộng hòa của Mỹ.
Trong quá khứ, nhiều chính trị gia ở Colombia từng công khai chỉ trích sự can dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Mỹ Latin.
Tuy nhiên, khi không có vắc xin tại thời điểm tháng 1-2021, Colombia đã nhanh nhẹn thương thảo với Nga dù 3 tháng trước nước này đã trục xuất hai quan chức Nga trong một sự việc còn nhiều uẩn khúc.
Đại sứ quán Nga ở Bogotá, Colombia xác nhận với CNN rằng việc trục xuất “không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán để đưa vắc xin tới đây. Cả hai bên đều muốn lật sang trang mới, hướng đến tương lai dù đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra”.
Có thể thấy nhu cầu đảm bảo vắc xin là rất khẩn cấp trong khu vực vì các nước ở Mỹ Latin nằm trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Theo Danil Bochkov – chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, sự tham gia của Nga là chìa khóa quan trọng trong việc phổ biến vắc xin ở Mỹ Latin hiện nay. Giao dịch mua vắc xin với nhà nước dễ dàng hơn so với công ty tư nhân, vốn phải phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra vì sợ thiệt hại.
Trong khi đó, các công ty nhà nước dễ thương lượng hơn, đặc biệt là khi các công ty này theo đuổi các mục tiêu chính trị.
Valdes, nhà lập pháp người Argentina, cũng xác nhận việc thương lượng mua vắc xin với Nga dễ dàng hơn với Hãng dược Pfizer. Argentina đã đồng ý mua 25 triệu liều vắc xin Sputnik V và nhận được 600.000 liều trong khi vẫn đang chờ lô hàng đầu tiên từ Pfizer.
Ngoài việc đàm phán dễ dàng, lý do chính mà Sputnik V được nhiều nước Mỹ Latin lựa chọn là do giá cả và bảo quản đơn giản (trong tủ lạnh thường). Giá do phía Nga công bố chỉ khoảng 10 USD một liều, rẻ chỉ bằng một nửa vắc xin Pfizer có giá 19,5 USD một liều.
Phương Tây có lỡ cơ hội?
Một số nước Mỹ Latin khác như Brazil, Chile và Mexico thì quan tâm đến vắc xin Trung Quốc. Công ty Sinovac cho biết đã bán hơn 300 triệu liều vắc xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách nâng cao uy tín của mình sau nhiều năm đối đầu với Mỹ và EU. Cung cấp vắc xin cho các nước đang phát triển là cơ hội hoàn hảo cho một chiến dịch tiếp thị hình ảnh tích cực.
Nhiều nhà quan sát nhận định đến nay Nga đã sử dụng Sputnik V như một công cụ ngoại giao. Hơn nữa, về mặt thương mại, bán hàng triệu liều vắc xin mang lại hàng triệu USD cho nền kinh tế Nga.
Trong khi Nga, Mỹ vươn ra quốc tế thì cách phân phối vắc xin của phương Tây lại có vẻ hướng nội, tập trung cho nhu cầu trong khối hoặc trong nước.
Solon, nhà ngoại giao Bolivia, cho rằng những gì xảy ra hiện nay sẽ khiến các nước phương Tây phải trả giá đắt về địa chính trị hậu đại dịch.
Trả lời CNN, ông nói: “Thế giới đã phân cực trong một thời gian. Nhưng trong thế giới đa cực ngày nay, Nga và Trung Quốc đang tiến rất nhanh. Cục diện vắc xin hiện nay tiếp tục củng cố xu hướng này”.COVID-19. Số liệu cập nhật chiều 26-12 (giờ Việt Nam) cho biết số bệnh nhân COVID-19 tại Nga hiện đã lên tới hơn 3 triệu người.