Mất sổ tiết kiệm có lo bị mất tiền?
Mất sổ tiết kiệm có lo bị mất tiền?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia khẳng định một người gửi tiết kiệm ở ngân hàng (NH) thì hoàn toàn yên tâm vì NH luôn giữ sổ tiết kiệm đó.
Chuyên gia NH Nguyễn Trí Hiếu cho hay theo quy định, chỉ người chủ sở hữu của sổ tiết kiệm mang sổ này ra NH thì mới rút tiền tất toán, hoặc dùng cuốn sổ tiết kiệm đó đi cầm cố, bảo lãnh…
Mất sổ tiết kiệm phải báo ngay
Trường hợp ai đó được tất toán hay thực hiện giao dịch gì bằng sổ tiết kiệm thì phải có giấy ủy quyền của người chủ sở hữu sổ. Nhưng giấy ủy quyền phải được công chứng hay nói cách khác là được pháp luật thừa nhận.
Trong trường hợp mất sổ tiết kiệm, người gửi tiền có bị mất tiền hay không? Ông Hiếu khẳng định nếu phát hiện mất sổ tiết kiệm, chủ sở hữu nó phải báo ngay cho NH phát hành sổ để phong tỏa tài khoản của sổ này.
Còn nếu có một ai đó cố tình lấy cắp sổ để ra NH rút tiền, dùng sổ để cầm cố, bảo lãnh… cũng không được. Bởi muốn rút được tiền còn phải có chứng minh nhân dân và chữ ký khớp với thông tin đã đăng ký khi mở sổ.
NH phát hành thấy sổ được mang đi tất toán không phải chính chủ thì phải có trách nhiệm thu giữ sổ ngay và báo cho chủ sở hữu của nó biết. Thậm chí sổ tiết kiệm của NH A được mang đi cầm cố ở NH B, của công ty tài chính nào đó thì trách nhiệm của NH B hay công ty tài chính là phải báo cho NH A – đơn vị phát hành sổ về việc này.
“Khách hàng phải giữ an toàn cho sổ tiết kiệm. Và NH cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền khi phát hiện sổ tiết kiệm bị lợi dụng. Sổ tiết kiệm là công cụ tài chính an toàn nhất. Nên khi chính chủ giữ sổ, thậm chí không may sổ bị mất thì không có ai lợi dụng được. Vì chỉ có chính chủ hoặc người được ủy quyền mới có thể tất toán sổ, dùng sổ cầm cố, bảo lãnh…” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Trách nhiệm của ngân hàng ra sao?
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng tiền gửi vào NH an toàn nhất. Dù lãi suất thấp hay như gửi USD, lãi suất 0% nhưng người dân có tiền nhàn rỗi vẫn gửi tiết kiệm NH. Nếu NH làm đúng thì người gửi tiết kiệm không bao giờ mất tiền.
Về việc ông Đặng Nghĩa Toàn và vợ ở Hà Nội gửi tiết kiệm 52 tỉ đồng ở NH PVcomBank không rút ra được, luật sư Đức nhận định vụ này không phải là vụ hi hữu trong vài 3 năm trở lại đây.
Về trách nhiệm của NH khi tiền gửi của khách hàng bị chiếm đoạt, lợi dụng, theo ông Đức, NH phải có trách nhiệm hoàn trả cho khách. Bởi khi tiền của người dân đã hoàn tất gửi vào NH thì tiền thuộc trách nhiệm quản lý của NH.
“Và NH là bị hại chứ không phải người gửi tiền. Do đó, quyền lợi của người gửi tiền vẫn phải được đảm bảo. NH phải trả cả gốc lẫn lãi cho khách hàng theo đúng quy định” – ông Đức nhắc lại.
Về việc vợ chồng ông Toàn bị mất sổ tiết kiệm 2 năm nay và vẫn chưa rút tiền được do sổ bị cầm cố, theo quan điểm của ông Hiếu, PVcomBank phải chứng minh ai là người cầm cố. Trách nhiệm giải trình là của NH.
PVcomBank nói gì?
PVcomBank đã có thông cáo báo chí xác nhận ông Toàn và bà Trang (vợ) đứng tên trên 3 sổ tiết kiệm, tổng trị giá là 52 tỉ đồng. Tháng 12-2018, ông Toàn và bà Trang đến NH thông báo bị mất sổ tiết kiệm, đồng thời có văn bản gửi cơ quan an ninh điều tra đề nghị làm rõ.
Trong khi đó, 3 sổ của ông Toàn và bà Trang vẫn đang là tài sản đảm bảo cho khoản vay tín dụng của Công ty TNHH cơ điện và xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam tại PVcomBank.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, PVcomBank đã có văn bản trình báo công an và đề nghị điều tra. Hiện 3 sổ tiết kiệm của ông Toàn và bà Trang, PVcomBank cho hay đang là vật chứng của vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…”. Cơ quan chức năng đang giải quyết theo quy định và chưa có quyết định cuối cùng.
Vì vậy, NH này cho rằng chỉ có cơ sở giải quyết theo bản án có hiệu lực pháp luật, chưa thể trả tiền trong sổ tiết kiệm theo yêu cầu của khách.