Song, điều mà họ mong muốn là Đảng và Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, chính sách ưu đãi để có thể đột phá, “chạy” nhanh hơn, vượt lên trước.
Kinh tế số Việt Nam có thể đạt 30 tỉ USD năm 2025
Trong giai đoạn 2021 – 2025, để đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5 – 7%, trong các dự thảo văn kiện, Đảng xác định một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho mọi thành phần chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và quá trình chuyển đổi số.
Nhìn sang các nước khu vực, với ASEAN, việc thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế số ước tính có thể giúp GDP của các nước trong khu vực này tăng thêm khoảng 1.000 tỉ USD trong vòng 10 năm tới. Vì vậy, các nước này đang rất quan tâm đến vấn đề kinh tế số và đã có các giải pháp, cơ quan hỗ trợ cho kinh tế số phát triển. Cụ thể, Thái Lan đã thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế kỹ thuật số để thay thế Bộ
Công nghệ thông tin – Truyền thông, trong khi Malaysia đặt mục tiêu giá trị của nền kinh tế số sẽ chiếm 17% tỷ trọng nền kinh tế của nước này; Singapore thì có khẩu hiệu “smart nation” (quốc gia thông minh) lấy công nghệ làm cốt lõi…
Cuộc cách mạng 4.0 có thể coi là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, với sự hội tụ mang tính đột phá của nhiều công nghệ hiện đại mới, có tác động sâu sắc đến các hệ thống chính trị, kinh tế – xã hội trên toàn cầu. Nó bao gồm một loạt lĩnh vực chủ đạo: dữ liệu lớn (big data); đô thị thông minh; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ màng mỏng (fintech); người máy (robot)… Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam dự báo đạt 30 tỉ USD vào năm 2025. Còn theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm, nếu chúng ta chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, để hiện thực được điều đó, có rất nhiều thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen.
Chính sách chưa thực sự mở đường phát triển kinh tế số
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cho biết thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm đối với cách mạng 4.0 nói chung và kinh tế số nói riêng thông qua việc ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách và chương trình hành động như Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27.5.2019, Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17.4.2020 và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1.1.2020. Theo bà Minh, sự quan tâm của nhà nước là đúng đắn, bởi dù Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, không nhất thiết phải đi sau trong
phát triển kinh tế số. Tuy vậy theo bà Minh, hệ thống các văn bản pháp luật hiện nay của Việt Nam còn chậm cải thiện và chưa thực sự mở đường cho kinh tế số phát triển. Do vậy, cải cách thể chế là một yêu cầu cấp thiết để hỗ trợ cho công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra thuận lợi và thành công.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, nói thêm để hướng tới phát triển kinh tế số trong thời gian tới, Việt Nam cần cân nhắc một số nhóm giải pháp như bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng song song với tạo thuận lợi cho kinh tế số; hoàn thiện chính sách cạnh tranh. Đặc biệt, tăng cường hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ, gắn với thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (CPTPP,
EVFTA)…
Tại một diễn đàn về cách mạng 4.0 gần đây, ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Vingroup, phụ trách Công ty VinFast, cho rằng các doanh nghiệp nhận thức nguồn nhân lực có vai trò vô cùng quan trọng. Cho nên, tập đoàn này cũng đi đến quyết định đầu tư hơn 10 triệu USD vào trường dạy nghề. Đây sẽ là cái nôi cho những kỹ thuật viên
công nghệ 4.0 cho tương lai, mỗi năm có 200 người học và hoàn toàn miễn phí, với những thiết bị công nghệ để học đi đôi với hành. “Chúng tôi hy vọng nó sẽ tạo ra sự tiên phong để thúc đẩy nhận thức và làm rõ hơn, xây dựng những chương trình học đi đôi với hành và tiến bộ công nghệ 4.0 là nền tảng cho tương lai sắp tới”, ông Huệ nói.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), cho biết ngân hàng hiện đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển đổi số, đó là đổi mới số hay sáng tạo số (digital innovation). Giờ đây, tất cả các hoạt động của ngân hàng đều được đặt trong mục tiêu sáng tạo số. Nó không còn mang ý nghĩa cách mạng mà sáng tạo số đã thấm nhuần và trở thành tư duy hành động, tác nghiệp thường nhật của toàn hệ thống tại TPBank.
Với tốc độ phát triển vũ bão của cách mạng 4.0, theo ông Đỗ Minh Phú, mô hình và sản phẩm của ngân hàng số ra đời rất đa dạng và mới mẻ, trong khi đó các
văn bản pháp luật hiện hành không phù hợp và tương thích. Do đó, ông Phú mong muốn Đại hội XIII của Đảng sẽ có những đột phá trong các văn kiện về cách mạng 4.0, kinh tế số.
Lãnh đạo TPBank cũng kiến nghị đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển hệ thống
cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân và cơ chế chia sẻ thông tin. Đồng thời, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm… Hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin, quy định chi tiết về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, giao dịch điện tử cho phù hợp thông lệ quốc tế.