Đề nghị cho xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn than
Đề nghị cho xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn than
Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị cho phép Tập đoàn than khoáng sản VN và Tổng công ty Đông Bắc xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn than.
Trong số này, Bộ Công thương đề xuất để Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) xuất khẩu 1,5 triệu tấn; Tổng công ty Đông Bắc xuất khẩu 50.000 tấn. Trong đó, số lượng than cám các loại 1, 2, 3 là hơn 1 triệu tấn.
Theo Bộ Công thương, con số này chỉ tương đương với nhu cầu than của 1 nhà máy nhiệt điện có công suất dưới 600 MW và chiếm tỷ lệ chỉ khoảng hơn 1% so với dự kiến tổng công suất điện huy động toàn quốc năm 2021. Mặt khác, nếu sử dụng than cám 1, 2, 3 cho sản xuất điện sẽ gây lãng phí rất lớn và không nâng cao được giá trị sử dụng tài nguyên than.
Trong khi đó, đánh giá về hiệu quả kinh tế của xuất khẩu than, Bộ Công thương nêu rõ, theo dự báo của thị trường than thế giới, giá xuất khẩu than cám 1, 2, 3 của VN năm 2021 khoảng 121 USD/tấn (2.815.670 đồng/tấn) đối với than cám 1; khoảng 118 USD/tấn (2.745.860 đồng/tấn) với than cám 2; khoảng 107 USD/tấn (2.489.890 đồng/tấn) với than cám 3.
Theo báo cáo của TKV cuối tháng 9.2020, dự kiến giá bán than cám 1, 2, 3 cho các hộ tiêu thụ trong nước năm 2021 khoảng 2.605.000 đồng/tấn với than cám 1; khoảng 2.535.000 đồng/tấn với than cám 2; khoảng 2.440.000 đồng/tấn với than cám 3.
Như vậy, nếu xuất khẩu than cám 1, 2, 3 thì giá trị kinh tế thu về sẽ cao hơn (khoảng 50.000 – 210.000 đồng/tấn) so với tiêu thụ tại thị trường trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo số liệu của 2 doanh nghiệp, con số xin xuất khẩu năm nay giảm đáng kể so với số được duyệt năm ngoái. Theo đó, năm 2020, TKV và Tổng công ty Đông Bắc được đồng ý xuất khẩu 2,05 triệu tấn (TKV là 2 triệu tấn và Tổng công ty Đông Bắc là 50.000 tấn), nhưng lượng than xuất khẩu năm 2020 chỉ đạt khoảng 34,8% kế hoạch, với 714.000 tấn, do các khách hàng truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, một số nước khu vực Đông Nam Á… giảm nhu cầu sử dụng than.
CHÍ HIẾU
TNO