23/12/2024

Tết này bỏ heo, ăn gà ?

Tết này bỏ heo, ăn gà ?

Trong khi nhập khẩu thịt heo đông lạnh, heo sống từ Thái Lan để giúp bình ổn giá thịt heo trong nước thì lượng lớn thịt gà công nghiệp giá “bèo” cũng được nhập khẩu, khiến ngành chăn nuôi gà trong nước lao đao.
Gà đông lạnh nhập khẩu bán tràn lan ở chợ dân sinh /// Ảnh: Ng.Nga
Gà đông lạnh nhập khẩu bán tràn lan ở chợ dân sinh ẢNH: NG.NGA

Heo hơi có thể lên 90.000 đồng/kg ?

Thông tin vào cuối ngày 8.1, từ hôm nay (9.1), giá heo hơi của các công ty chăn nuôi lớn khu vực phía nam tiếp tục tăng 2 giá. Heo hơi thịt loại 1 cao nhất 79.500 đồng/kg, loại 2 từ 73.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong hơn 1 tuần đầu năm nay, giá heo hơi tại các công ty lớn tăng giá đến 3 lần, tổng mức tăng 5.000 đồng/kg. Trên thị trường tự do, giá heo hơi đến chiều 8.1 tại miền Bắc cao nhất lên tới 84.000 đồng/kg. Tại miền Nam, theo đà tăng của các công ty lớn, giá heo tại khu vực “thủ phủ” chăn nuôi vùng miền Đông Nam bộ cũng xấp xỉ mức 79.000 – 80.000 đồng/kg. Giá heo hơi tăng đẩy giá heo mảnh tại chợ sỉ ngày 8.1 cũng tăng mạnh, mức cao nhất lên 110.000 đồng/kg.
Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng thịt các loại cả năm 2020 ước đạt 5,39 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2019. Trong đó thịt heo 3,46 triệu tấn, tăng 3,9%; thịt gia cầm 1,42 triệu tấn, tăng 9,2%; thịt bò 372.500 tấn, tăng 4,8%…

Như vậy, chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, giá heo hơi trên thị trường đang tăng chưa thấy dấu hiệu dừng. Ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở sản xuất nem chả sạch Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết giá heo hơi tăng khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Cụ thể, thịt nạc heo cách đây nửa tháng giá 100.000 – 105.000 đồng/kg, đến hôm qua người bán báo giá lên tới 120.000 đồng/kg. “Mọi năm giá thịt luôn tăng tháng trước tết, những người bán lẻ tại chợ thường nhích thêm vài giá với lý do thịt tăng. Suốt năm qua do dịch bệnh, tiêu thụ mặt hàng này giảm mạnh, hy vọng bán tết tăng doanh số một chút, nhưng với tình hình này thì rất khó. Cơ sở chúng tôi không chủ trương tăng giá, cho dù đầu vào tăng cả nửa tháng nay”, ông Hậu cho biết.

Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, cho hay heo hơi đến tết có thể tăng thêm ít nhất 5 giá nữa, lên mức cao nhất 85.000 đồng/kg, do thị trường dịp tết luôn khan hàng. Khi được hỏi: “Như vậy heo hơi trên thị trường tự do có thể tăng lên 90.000 đồng/kg trong nay mai?”, ông Huy nói: “Giá công ty chăn nuôi lớn đưa chắc chắn không thể vọt lên mức đó, nhưng với thị trường tự do thì rất khó nói. Bởi khi chúng tôi bán ra giá 75.000 đồng/kg, trên thị trường tự do chênh với công ty từ 3 – 5 giá rồi. Thế nên, giá heo hơi lên 90.000 đồng/kg, nếu có, chỉ xảy ra trên thị trường tự do và tại một vài thời điểm ngắn, cục bộ tại một số địa phương”.

Nuôi gà công nghiệp “trắng tay”

Trong khi đó, giá gà công nghiệp trong nước lại rớt thê thảm. Ngày 8.1, một số chủ trại chăn nuôi cả lớn lẫn nhỏ tại khu vực phía nam đều có chung nhận xét: “Thêm một năm trắng tay. Giá gà đã có thời gian dài rớt xuống bằng một nửa giá vốn. Nay mới có lãi vài ngàn đồng/kg thì lại tiếp tục gặp khó do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh”.
Cập nhật đến ngày 8.1, gà công nghiệp lông trắng có giá xuất chuồng từ 26.000 – 27.000 đồng/kg, gà lông màu 36.000 đồng và gà ta (gà Bình Định) từ 49.000 – 53.000 đồng. Theo tính toán của các nhà chăn nuôi, riêng gà trắng giá vốn đã 24.500 đồng/kg. Tuy nhiên, từ giữa tháng 12 đến nay giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 600 đồng/kg, khiến giá thành vọt lên hơn 26.000 đồng/kg, coi như huề vốn. Ông Phan Hùng, chủ trại nuôi gà tại Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, không có khách du lịch, nhà hàng, khách sạn đóng cửa nên giá gà công nghiệp (chuyên bán cho chuỗi thức ăn nhanh, bếp ăn công nghiệp, khu công nghiệp…) rớt thê thảm. “Có thời gian dài giá vốn vẫn 24.000 đồng/kg, nhưng giá bán ra chỉ 12.000 – 13.000 đồng/kg. Giá trung bình hằng tháng bán ra vẫn thấp hơn mức giá thành sản xuất. Năm qua, chúng tôi đóng cửa 2 trại, rao cho thuê nhưng không ai thuê. Tiền đầu tư mất 4 tỉ đồng, không có đồng lãi và hiện tại đang nợ ngân hàng”, ông Hùng buồn bã nói.
Đáng lưu ý, trong khi gà công nghiệp trong nước rớt giá thê thảm, gà công nghiệp đông lạnh lại được nhập khẩu ồ ạt. Một nhà nhập khẩu thịt đông lạnh lớn tại TP.HCM cho biết đùi gà đông lạnh nhập khẩu sau khi cộng các chi phí bán ra 17.000 – 18.000 đồng/kg là có lãi tốt rồi. Thậm chí ngay trong mùa dịch công ty bán ra 15.000 đồng/kg vẫn không lỗ. Tất nhiên, mức đó là giá bán sỉ, đưa vào siêu thị, còn giá bán lẻ lên tới 45.000 – 50.000 đồng/kg. “Trong 2 tháng nay, trung bình mỗi tuần bán được 1 container đùi, cánh gà đông lạnh, có tuần bán đến 2 container. Giá gà đông lạnh nhập khẩu năm nay so với năm ngoái thấp hơn”, vị này cho hay.
“Chẳng hiểu sao
cả hai bộ đều
không lên tiếng”
Đó là câu cảm thán của ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Đông Nam bộ, thốt lên khi phác họa bức tranh chăn nuôi gà ở VN trong năm qua. Ông Quyết nhận định cả năm 2020 người nuôi gà lỗ nặng và cho đến nay rất nhiều nhà chăn nuôi phải bỏ cuộc chơi, trắng tay. Ông Quyết nói: “Có một thực tế là trong năm 2019, khi dịch tả heo châu Phi hoành hành, chính Bộ NN-PTNT khuyến cáo các nhà chăn nuôi bảo ngừng tái đàn vì dịch đang lây lan, càng tái đàn càng thua lỗ, nên chuyển sang nuôi gà. Rất nhiều chủ trại heo tại thời điểm đó đã chuyển sang nuôi gà, hoặc cho thuê trại để nuôi gà. Rồi khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhà máy đóng cửa, Chính phủ đóng cửa đường bay, gà đến mùa xuất chuồng giá rớt bằng nửa giá thành. Bộ NN-PTNT lại bảo do chúng tôi ồ ạt nuôi khiến cung thừa, giá rớt. Đến khi VN ngăn chặn được dịch, mọi hoạt động sản xuất quay lại bình thường, gà bán ra tốt hơn, Bộ Công thương cho nhập khẩu thịt đông lạnh thoải mái. Song song nhập thịt heo đông lạnh để hạ nhiệt thị trường, thịt gà đông lạnh tại các quốc gia cũng đang ế được đổ vào VN với giá rẻ chưa từng có và không ai khuyến cáo gì cả. Tại sao hai bộ Công thương và NN-PTNT không ngồi lại với nhau, có giải pháp để cứu ngành chăn nuôi?”. “Tại sao cho nhập khẩu thịt heo đông lạnh để bình ổn thị trường thịt heo mà không có động thái hạn chế nhập thịt gà để cứu nhà chăn nuôi trong nước?”, ông Quyết bức xúc.
Số liệu ước tính của các nhà nhập khẩu cho thấy trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 tấn thịt gà được nhập khẩu, bên cạnh đó thịt bò, cừu, heo… cũng được nhập khẩu số lượng lớn. Các nhà chăn nuôi cho rằng năm 2020 ngành nuôi gà trong nước thua lỗ nặng nề, ngoài lý do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 còn vì gà nhập khẩu giá rẻ. Ông Quyết nói: “Ngành chăn nuôi không cần bảo hộ, cứ sòng phẳng mà làm. Tuy nhiên, trong khó khăn vì đại dịch, nhà nước nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp, xin hãy có một vài động thái hạn chế nhập khẩu gà cận đát trong giai đoạn này”.
Với nhiều người tiêu dùng, tết này bỏ heo ăn gà là một giải pháp do giá thịt quá đắt.
NGUYÊN NGA
TNO