Cam sinh thái ‘ăn’ đậu tương, mắm cá
Cam sinh thái ‘ăn’ đậu tương, mắm cá
Một loại cam sinh thái “ăn” đậu tương, mắm cá, không dùng thuốc bảo vệ thực vật đã chinh phục các siêu thị uy tín và được một quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn khủng.
Mở lối đi riêng
Người sáng lập thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến, Phó giám đốc Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ (xã Minh Hợp, H.Quỳ Hợp, Nghệ An) Nguyễn Thị Lê Na (34 tuổi), bước vào nghề trồng cam với vốn kiến thức gần như bằng không.
Chị Lê Na tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế chính trị tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ra trường làm việc cho Công ty Honda Việt Nam nhưng quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp trồng cam, sau khi chứng kiến gia đình, người dân quê ở xã Minh Hợp phải đổ bỏ hàng chục tấn cam vì không có thị trường bán hàng, thương lái ép giá.
Chị Lê Na cho biết, với cách trồng cam truyền thống, nông dân sử dụng rất nhiều vào thuốc, hoá chất bảo vệ thực vật, phân bón hoá học và khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức của người dân từ bỏ thói quen này.
Chuyển sang canh tác sinh thái, không được bón phân và phun thuốc hoá học nữa, cây cam gần như bị sốc; cây bị còi cọc, xấu xí thậm chí cây yếu đến độ còn không ra được quả; quy trình chuyên đổi canh tác sinh thái phải cần đến mất 1 – 2 mùa vụ giúp cam xanh tốt trở lại.
|
Về quy trình canh tác sinh thái, chị Lê Na chia sẻ, ở vườn cam sinh thái không có hoạt động cuốc cỏ hay phun thuốc diệt cỏ dại. Ngược lại, cỏ được nuôi dưỡng để tái sử dụng làm phân hữu cơ giúp cho đất có độ tơi xốp hơn. Đất trồng cỏ sẽ nuôi dưỡng được hệ vi sinh vật bản địa rất tốt có thể giúp phân giải chất hữu cơ từ cỏ thành chất vô cơ sinh ra đa, trung, vi lượng như NPK hay các khoáng chất nhằm cung cấp dưỡng chất cho cây mà không cần dùng phân bón hoá học.
Vườn cam áp dụng triệt để giải pháp sinh thái ứng phó với sâu bệnh, bằng cách được trồng xen canh, đa canh nhiều loại cây trồng khác nhau. Khu vườn có nhiều loại cây mọc xen kẽ thì sâu không tập trung tấn công vào cây cam nữa mà nó sẽ gần như được giãn ra trên diện rộng hơn, giảm đi rất nhiều áp lực dịch bệnh trên cây cam.
Đặc biệt, để có phân hữu cơ tự nhiên thay thế hoàn toàn phân hoá học, các khu vườn trồng cam được thiết kế các hố ủ phân từ thân cây đậu tương, nguồn xác cá chết mua ngoài chợ với chi phí rẻ. Đây cũng là nguồn nguyên liệu ủ phân giúp thu được những enzim rất tốt tưới cho cây cam.
Xen giữa các luống trồng cam, chị Na và các kỹ sư nông nghiệp cho đào các hố ủ phân từ cỏ, trái cây rụng thối, trồng thêm chuối vừa có tác dụng điều hoà không khí, thanh lọc chất độc trong hố ủ vừa lấy thân, lá sản xuất phân hữu cơ.
“Khi bắt đầu làm nông nghiệp sinh thái, tôi và các cộng sự phải đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu trong và ngoài nước để xây dựng quy trình trồng cam sinh thái. Lần đầu tiên giới thiệu cam Vinh trồng sinh thái tại một hội chợ ở Hà Nội, trái cam được nhiều khách hàng lớn tuổi khen ngợi có vị thơm, ngon rất giống vị của cam Vinh ngày xưa”, chị Na nói.
Giấc mơ làng du lịch cam sinh thái
Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Qùy với quy trình trồng cam sinh thái hiện đã liên kết để cùng chuyển đổi sang phương thức canh tác sinh thái với hơn 20 hộ và mở rộng vùng nguyên liệu trồng với diện tích hơn 50 ha.
Cam Vinh Kỳ Yến là thương hiệu bán sản phẩm quả tươi theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng đang chuyển dần sang canh tác sinh thái vào các siêu thị lớn hoặc nhiều chuỗi phân phối thực phẩm sạch ở Hà Nội, TP.HCM…
Quả cam Vinh Kỳ Yến trồng bằng quy trình sinh thái nhờ đảm bảo được tính an toàn của nguồn nguyên liệu nên sản phẩm không đạt tiêu chí bán tươi đã được nghiên cứu chế biến thành chuỗi sản phẩm như: mứt nước cam, mứt vỏ cam, mứt múi cam, bánh nhân cam, tinh dầu cam…
Trong năm 2018, sản phẩm mứt vỏ cam từ trang trại cam sinh thái lần đầu được xuất khẩu sang Hà Lan. Các sản phẩm chế biến khác cũng từng được mang đi chào hàng, giới thiệu tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga.
|
Tiên phong sáng tạo quy trình trồng cam sinh thái, vườn cam Vinh Kỳ Yến đặt tại xã Minh Hợp (H.Quỳ Hợp, Nghệ An) là địa chỉ thu hút rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản, Hà Lan… để khảo sát nghiên cứu.
Cũng theo chị Lê Na, những chuyên gia này cũng giúp cho sản phẩm từ vườn cam sinh thái bước đầu quảng bá, xuất khẩu ra thế giới. Đặc biệt, dự án khởi nghiệp trồng cam sinh thái được Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Mam Silicon Valley rót vốn để đầu tư xây dựng làng du lịch cam sinh thái đầu tiên tại Nghệ An.
Và khi mô hình Làng du lịch Cam Vinh sinh thái thành công, chị Na hy vọng có thể nhân rộng mô hình này tới các vùng đặc sản của Việt Nam tạo dựng nên một lối sống, kinh doanh mới nhằm thay đổi cách thức kinh doanh và canh tác nông nghiệp tại Việt Nam.
Trong mùa vụ năm nay, vườn cam Vinh Kỳ Yến chính thức đưa vào khai thác tour du lịch: “Mùa vàng xứ Nghệ” mở cửa đón đoàn khách đầu tiên trong ngày 12 – 13.12.2020. Chị Lê Na cho biết, hiện tại đang vào mùa thu hoạch cam Vinh ở xứ Nghệ. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm thu hoạch những trái cam ngọt lịm, căng mọng nước; trải nghiệm làm các sản phẩm chế biến từ cam…
“Không chỉ làm nông nghiệp sinh thái, tôi luôn có một ước có thể tạo dựng và lan tỏa lối sống sinh thái tới nhiều người. Có khách du lịch nghề trồng cam sẽ có thêm giá trị gia tăng, người dân có thêm nguồn thu từ dịch vụ du lịch, trực tiếp bán sản phẩm cho du khách và có thể kiên định với lối canh tác sinh thái vừa mang lại giá trị kinh tế lẫn môi sinh và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mình”, chị Na hy vọng.
HOÀNG PHAN
TNO