Nhiều doanh nghiệp FDI doanh thu tăng, lỗ… tăng theo: Đóng thuế ít vì ưu đãi
Nhiều doanh nghiệp FDI doanh thu tăng, lỗ… tăng theo: Đóng thuế ít vì ưu đãi
Xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, theo đó lợi nhuận khu vực này cũng tăng mạnh. Thế nhưng, đóng góp vào ngân sách thì trông chờ vào… khối nội.
Doanh thu 100 đồng, đóng thuế vài đồng
Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2019, doanh thu của các doanh nghiệp (DN) FDI đạt hơn 7,1 triệu tỉ đồng, tăng hơn 720.000 tỉ đồng (tương đương 11,2%) so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế của khu vực này cũng đạt 387.000 tỉ đồng, tăng hơn 29.400 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 324.000 tỉ đồng, tăng 19.500 tỉ đồng so với năm 2018.
Lợi nhuận cao, nhưng đóng thuế của các DN FDI lại rất khiêm tốn. Theo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của DN FDI vừa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng, trong năm 2019, hoạt động sản xuất của Samsung Việt Nam thu về lợi nhuận trước thuế gần 4 tỉ USD. Cụ thể, hai công ty lớn của Samsung Việt Nam là Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh) và Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên) có doanh thu năm 2019 khoảng 1,1 triệu tỉ đồng (chiếm 48% tổng doanh thu của toàn ngành). Trong đó, SEV Bắc Ninh lãi trước thuế 37.364 tỉ đồng, SEV Thái Nguyên lãi trước thuế 48.554 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế của SEV Bắc Ninh là 35.029 tỉ đồng và SEV Thái Nguyên 46.083 tỉ đồng. Thế nhưng, thực nộp ngân sách của cả hai lần lượt là 2.858 tỉ đồng và 2.079 tỉ đồng từ mức thuế thu nhập DN đóng từ 5,1 – 6,25%.
Hình dung một cách đơn giản thì Samsung Việt Nam cứ lãi 100 đồng chỉ phải đóng thuế từ 5 – 6 đồng, so với mức thuế thu nhập DN thông thường là 20 đồng. Ngoài Samsung Việt Nam, trong năm 2019, cũng có rất nhiều “ông lớn” ngoại nằm trong nhóm ngành có lợi nhuận cao lại luôn báo lỗ khiến ngành thuế phải tiến hành thanh tra và truy thu hàng trăm tỉ đồng như Standard Chartered…
Hay cùng hoạt động trong ngành thép, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) – ông lớn tỉ đô trong năm 2019, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt khoảng 72.000 tỉ đồng, số lỗ trong năm hơn 11.500 tỉ đồng, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2018. Số tiền nộp ngân sách năm 2019 của Formosa Hà Tĩnh là 51,6 tỉ đồng. Trong khi Tập đoàn Hòa Phát doanh thu năm 2019 thấp hơn, đạt 64.678 tỉ đồng lại nộp ngân sách tới 6.639 tỉ đồng.
Trong 30 DN tiêu biểu vừa được Tổng cục Thuế vinh danh vì có những đóng góp hết sức tích cực nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong suốt 30 năm qua có 10 DN ngoài quốc doanh như Vingroup, Hòa Phát, ô tô Trường Hải, may Việt Tiến, Hòa Phát, Vĩnh Hoàn, Vinamilk, Viettel, FPT…
Thất thoát từ khối ngoại?
Thu hút vốn FDI là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế. Đến nay, 70% kim ngạch xuất khẩu vẫn dựa vào khu vực DN FDI. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nền kinh tế chỉ dựa vào xuất khẩu và xuất khẩu trong tâm thế gia công, thì rất khó tạo khung bền vững và tạo lực đẩy cho kinh tế trong nước.
“Quan điểm của chúng ta trong nghiên cứu về phát triển DN thì không phân biệt, chắc chắn là vậy. Song những vị trí dẫn đầu các ngành sản xuất, dịch vụ quan trọng trong nước, đều là của DN tư nhân nội địa. Chẳng hạn, ngành công nghiệp ô tô, giáo dục, y tế… Trong khi thực tế, họ vẫn chưa được đối đãi như DN ngoại, đặc biệt các khoản ưu đãi về thuế thu nhập DN”.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân
PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DN, nhận xét qua dịch Covid-19 mới thấy vai trò quan trọng của các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước. Họ chính là “xương sống” của nền kinh tế nước nhà, đồng hành cùng Chính phủ, bỏ sức người, sức của để chống dịch cùng Chính phủ. Trong khi đó, ngành sản xuất gia công xuất khẩu (chủ yếu là của DN FDI) bị đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến hàng ngàn công nhân không có việc làm, xuất khẩu giảm thì lúc đó xuất khẩu của khối DN nội lại tăng mạnh.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng cho rằng vai trò của DN trong nước càng thể hiện rõ hơn
ngay trong năm xảy ra đại dịch Covid-19 này. Thực tế, DN FDI vào VN đóng góp không nhỏ cho GDP, nhưng thực tế là họ đang thu 100 đồng, đóng góp chưa tới 10 đồng thì sự thất thoát là rất lớn. Xuất khẩu của DN FDI chiếm 70% nhưng giá trị gia tăng chúng ta có được lại vô cùng thấp. Myanmar đang học cách thu hút FDI từ các nước Thái Lan, Singapore, Indonesia rất hiệu quả, đó là liên doanh với nước ngoài và yêu cầu chuyển giao công nghệ. Việt Nam trong 30 năm thu hút FDI đã chưa thành công trong vai trò chuyển giao công nghệ.
Còn nhớ, cách đây 20 năm, chúng ta đã có chiến lược đổ ra gần 60.000 tỉ đồng để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Thế nhưng tại thời điểm đó, việc để nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đã không thành công. Mãi cho đến 2 năm trở lại đây, chính tập đoàn tư nhân trong nước là Vingroup, bằng sự quyết liệt của DN, đã xây dựng và phát triển thành công nền công nghiệp ô tô nước nhà với thương hiệu VinFast.
|
“Trong báo cáo của Bộ Tài chính, DN FDI ngành lắp ráp ô tô chiếm 44% lợi nhuận, nhưng từ mấy mươi năm trước, khi đầu tư vào đây, chúng ta ràng buộc thế nào để việc chuyển giao công nghệ từ ngành này gần như bằng 0?”, PGS-TS Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh.
NGUYÊN NGA
TNO