24/11/2024

Hàng Việt “bì bõm” vào siêu thị ngoại

Hàng Việt “bì bõm” vào siêu thị ngoại

Các nhà bán buôn, bán lẻ hàng đầu thế giới đã khen hàng Việt chất lượng, nhưng vì chưa cung cấp số lượng lớn, trong thời gian dài nên mới “bì bõm” vào siêu thị ngoại chứ chưa có chỗ đứng ổn định trên kệ của các nhà buôn nước ngoài.
Quả vải tươi của VN được người dân Nhật ưa thích, song giá còn đắt, hàng chưa nhiều /// Ảnh: P.Hậu
Quả vải tươi của VN được người dân Nhật ưa thích, song giá còn đắt, hàng chưa nhiều ẢNH: P.HẬU
Đó là vấn đề được đại diện nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài nêu ra tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”, do Bộ Công thương tổ chức hôm qua (17.12).

Đẹp, tốt nhưng cần số lượng lớn thì khó

Ông Vince Trần, đại diện mua hàng cho hệ thống siêu thị Walmart, kể mặc dù đã đưa một số mặt hàng đồ gỗ của doanh nghiệp (DN) nội ra thế giới song hiện có rất ít DN Việt có thể sản xuất một cách chuyên nghiệp. “Như trong ngành nội thất, nhiều DN trong nước khi đưa hàng đi hội chợ thì tốt, quảng bá được. Nhưng khi chúng tôi tìm hiểu thì thấy một số mặt hàng đó sản lượng lại không nhiều. Hàng hóa cũng không sản xuất thường xuyên, tức độ chuyên nghiệp hóa không có. Mà số lượng không nhiều thì không thể cạnh tranh tốt về giá so với DN ở nước khác, khi họ chuyên nghiệp hóa và tập trung sản xuất cho một sản phẩm”, ông Trần nói.

Khó khăn nhất của chúng tôi là khả năng cung cấp hàng liên tục của công ty Việt

Ông Ma Jung Uk, Giám đốc Lotte Mart tại Hà Nội

Theo ông Trần, đầu năm 2019 Walmart mới có 20 nhân viên tại Việt Nam thì đến nay đã có hơn 50 nhân sự, cho thấy hệ thống này rất mong muốn mua thêm nhiều mặt hàng từ Việt Nam để đưa vào siêu thị của họ trên khắp thế giới. “Thực tế DN Việt rất chăm chỉ, cầu tiến, sau nhiều góp ý của chúng tôi thì đã cải thiện nhiều, nhưng họ vẫn chưa hiểu thị trường Mỹ. Nếu có mẫu mã thì họ có thể sản xuất, nhưng để họ đưa ra ý tưởng, hình hài rồi sản xuất để thuyết phục chúng tôi rằng sản phẩm sẽ bán chạy ở Mỹ thì họ chưa làm được”, ông Trần nhận xét, đồng thời cho biết thêm, hiện còn nhiều mặt hàng Walmart buộc phải mua qua các DN FDI đến từ Hồng Kông, Hàn Quốc, dù ông rất muốn làm trực tiếp với công ty nội để giảm chi phí trung gian.

Tương tự, ông Ma Jung Uk, Giám đốc Lotte Mart tại Hà Nội, cho hay năm vừa qua đã có 1.600 tấn chuối Việt Nam vào hệ thống Lotte Mart ở Hàn Quốc và tập đoàn đang lên kế hoạch để nâng sản lượng cho năm 2021. “Thế nhưng khó khăn nhất của chúng tôi là khả năng cung cấp hàng liên tục của công ty Việt. Họ cung cấp 1 năm đã xong, nhưng chưa thấy có ý định cho năm tới”, ông Ma Jung Uk thông tin.
Đại diện siêu thị Aeon của Nhật tại Việt Nam cho biết sau lần đầu quả vải tươi của Việt Nam vào được Nhật Bản hồi mùa hè thì người tiêu dùng nước này phản hồi rất tích cực. Tuy nhiên, với sản lượng còn khiêm tốn và giá thành cao nên người Nhật mới coi đây là món tráng miệng cao cấp. “Chúng tôi muốn năm sau vải tươi Việt Nam là thứ trái cây rộng rãi, giá không còn đắt đỏ như hiện nay”, vị đại diện Aeon bày tỏ.

Hợp tác cùng có lợi

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, cho hay nhờ cùng tham gia Hiệp định CPTPP nên các mặt hàng giày dép, may mặc của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% khi vào Canada. Đó là lợi thế lớn so với các đối thủ nhờ mức thuế giảm từ 5 – 18%. Thế nhưng, hiện mới chỉ Tập đoàn dệt may Việt Nam đưa được một số ít sản phẩm mà các công ty thành viên tự sản xuất được từ đầu đến cuối. Còn lại, các DN nhỏ và vừa thì việc có thể đưa hàng vào hệ thống phân phối của Canada rất khó. Lý do là không thể đáp ứng được số lượng, chủng loại như trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến, hoa quả tươi.

Hiện nay mỗi ký hoa quả tươi đi bằng container lạnh từ VN sang Nhật đang đắt hơn hàng Thái Lan 1 USD. Cho nên, nếu không hạ chi phí vận tải thì hoa quả VN như chuối, xoài, thanh long, dứa sẽ khó cạnh tranh với hàng Thái Lan hay hoa quả các nước khác nhập vào Nhật Bản.

Đại diện siêu thị Aeon tại VN

Bà Hương chia sẻ thêm, có 250.000 người Việt đang sinh sống ở Canada, khá nhiều người đang giữ các vị trí chủ chốt tại những tập đoàn bán lẻ lớn lẫn tầm trung của nước này nên rất mong sớm đem hàng Việt sang đây. “Năm ngoái, một nhà phân phối hàng đầu của Canada với doanh số mua hàng lên tới 20 tỉ USD/năm muốn nhờ Thương vụ kết nối để nhập hoa quả Việt. Họ đã về khảo sát trang trại, quy trình đóng gói, gặp cơ quan bảo vệ thực vật… Việt Nam cũng đã có đoàn tham quan chuỗi cung ứng của họ, xem mô hình hoạt động… để bàn về chiến lược cho cả 5 – 7 năm, nhưng tiếc là 1 năm nay không có phản hồi của cơ quan chủ quản và DN Việt, mà chúng tôi không rõ vì sao”, bà Hương nói và kiến nghị nếu để DN nhỏ và vừa tự thân vận động thì khó tham gia vào hệ thống phân phối đa quốc gia, nên chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới là cần tập hợp các nhà sản xuất nhỏ sau lưng một nhà cung ứng lớn, từ đó vươn ra bên ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động sâu tới các hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gãy, thì việc giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hằng ngày như nông sản, thực phẩm… là nhu cầu cấp thiết không chỉ của các DN xuất khẩu Việt Nam mà cả các tập đoàn phân phối nước ngoài. Vì vậy, ông Hải kỳ vọng các tập đoàn phân phối lớn đa quốc gia sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh, hỗ trợ DN Việt mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Đây cũng là cách để các tập đoàn xây dựng nguồn cung phong phú, lâu dài cho bản thân mình”, ông Hải nói.
CHÍ HIẾU
TNO