24/11/2024

Hàng xuất khẩu tìm đường thoát khủng hoảng, quảng bá qua mạng

Hàng xuất khẩu tìm đường thoát khủng hoảng, quảng bá qua mạng

Các hình thức xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu bền vững còn nhiều hạn chế là rào cản khiến cho doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo dựng được thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 

Hàng xuất khẩu tìm đường thoát khủng hoảng, quảng bá qua mạng - Ảnh 1.

Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu bền vững thực thi có hiệu quả EVFTA, CPTPP – Ảnh: N.AN

Ngày 16-12, Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020 do Bộ Công thương tổ chức với chủ đề xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bà Tô Tường Lan, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) – kể câu chuyện năm 2017 gặp sự cố truyền thông với sản phẩm cá tra tại Tây Ban Nha, khi một siêu thị rút mặt hàng này ra khỏi hệ thống dẫn tới thông tin lan truyền, gây ảnh hưởng tâm lý tới người tiêu dùng.

Trước lo ngại sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, bà Lan cho hay VASEP cùng doanh nghiệp đã phải thay đổi cách tiếp thị sản phẩm, từ hình thức kết nối truyền thông tới đối tác (B2B) đã chuyển sang làm truyền thông tới người tiêu dùng (B2C).

Chương trình được thực hiện từ năm 2019 đến các thị trường như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Bỉ, Ý… bằng nhiều hình thức kết nối và quảng bá qua website, Google, Facebook, Pinterest, Instagram, YouTube…

“Kết quả là trong vòng 3 tháng, trên website đã thu hút hơn 14.000 lượt truy cập. Các từ khóa “pangasius cecipe” luôn được xếp hạng tìm kiếm dẫn đầu. Chúng tôi nhận thấy chức năng kích hoạt cộng đồng thảo luận tương tác trên mạng xã hội rất là lợi hại khi đem sản phẩm tới người tiêu dùng trực tiếp, đưa sản phẩm tới họ. Các hoạt động SEO cũng đạt 225.000 lượt hiển thị trên công cụ tìm kiếm Google” – bà Lan cho hay.

Ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM – cho hay ngành gỗ đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt 20 tỉ USD, nên 3 yếu tố bền vững được đặt ra gồm nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu.

“Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng các chứng chỉ về phát triển rừng bền vững, đủ nguyên liệu cho chúng ta xuất khẩu, song năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế khi FDI chỉ chiếm 20% về số lượng nhưng chiếm ưu thế về kim ngạch” – ông Phương nói.

Ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho hay với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 500 tỉ USD, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tương xứng hơn với giá trị xuất khẩu của Việt Nam trên thương trường, bởi thực tế hiện nay do nguồn lực có hạn nên quy mô hoạt động này vẫn còn hạn chế.

“Nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho xúc tiến thương mại còn dàn trải cả trung ương và địa phương, bộ ngành, nên nhiều hoạt động có phần bị chồng lấn, trùng lắp. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông marketing theo xu hướng mới hiện đại còn hạn chế” – ông Phú chia sẻ.

Tới đây Bộ Công thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó và chủ động trước dịch COVID-19, nâng cao và nâng tầm hình ảnh sản phẩm, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, đặc biệt trong dịch COVID-19 vừa qua thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động hỗ trợ của Chính phủ định hướng, hướng dẫn đào tạo doanh nghiệp…

Xuất khẩu là điểm sáng trong năm COVID-19

Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết tháng 11 năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỉ USD, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỉ USD, thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỉ USD. Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế bước vào năm 2021.

N.AN
TTO