Sai lầm khi ‘đua’ vào ‘ngành hot, nghề mốt’
Sai lầm khi ‘đua’ vào ‘ngành hot, nghề mốt’
Đến mỗi mùa tuyển sinh đại học, thí sinh đều muốn chọn ngành “hot” để đăng ký xét tuyển bất chấp rủi ro cao, thậm chí rớt đại học, hoặc khi vào học lại nhận thấy không phù hợp.
Nhiều bạn trẻ “đua” vào những ngành được cho là “hot” đã đẩy điểm chuẩn một số ít ngành lên rất cao. Việc này do phần lớn học sinh và phụ huynh hiểu sai về ngành nghề.
Nơi tấp nập, chỗ đìu hiu
Những ngành học được cho là “hot” những năm gần đây luôn thu hút đông đảo thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh gồm: y dược, công nghệ thông tin (CNTT), ôtô, trí tuệ nhân tạo, du lịch, báo chí, tâm lý, sư phạm tiếng Anh, quan hệ quốc tế, tài chính – ngân hàng, kinh doanh quốc tế, luật… Những ngành học này liên tục nhiều năm qua đều có điểm chuẩn rất cao ở các trường, có ngành 29-30 điểm. Trong khi trên thực tế với nhiều ngành khó tuyển, xã hội vẫn có nhu cầu nhân lực nhưng học sinh lại không muốn theo học, nên có ngành chỉ vài thí sinh trúng tuyển.
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng việc chọn ngành học của thí sinh nhiều năm gần đây khá “thực dụng”, đó là ưu tiên chọn ngành dễ tìm việc làm, lương cao, tránh việc nặng nhọc và có cả việc chọn ngành theo phong trào.
ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – marketing, nhận định: “Ngành hot, nghề mốt, ra trường lương cao, cơ hội làm việc lớn, môi trường hấp dẫn luôn là những thông tin khiến thí sinh đổ xô theo học. Tôi cho rằng hiện nay học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đa số chọn nghề chưa thật phù hợp vì chưa có thông tin đầy đủ và chính xác về nghề trong khi bản thân chưa hiểu hết khả năng, tư chất của mình”.
Rất nhiều học sinh nghĩ rằng muốn làm việc trong một lĩnh vực ngành nghề nào đó thì phải chọn học ngành đó. Điều đáng nói, không chỉ học sinh mà ngay cả không ít phụ huynh cũng nghĩ như vậy, nên thường định hướng và muốn con mình vào ngành “hot”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiểu như vậy là không chính xác vì một lĩnh vực nghề nghiệp cần nhân lực của nhiều ngành khác nhau. Bên cạnh đó, không ít học sinh chưa xác định rõ sở thích và năng lực bản thân nên gặp nhiều lúng túng trong chọn ngành học.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nêu ví dụ nhiều người nghĩ muốn làm việc trong ngân hàng bắt buộc phải học ngành ngân hàng. Ông cho rằng đây là cách hiểu chưa đầy đủ vì những người làm việc trong ngân hàng tốt nghiệp từ rất nhiều ngành khác nhau: quản trị kinh doanh, nhân sự, văn phòng, kế toán, công nghệ thông tin… Thậm chí học nông nghiệp cũng có thể làm việc ở các ngân hàng.
Cụ thể, khi các ngân hàng cần thẩm định hồ sơ cho vay những dự án về nông nghiệp thì đương nhiên các chuyên gia nông nghiệp sẽ đánh giá; hay để lắp đặt và vận hành ATM sẽ phải cần các kỹ sư điện tử…
“Do đó không nên nghĩ rằng muốn làm việc ở ngân hàng là bắt buộc phải học ngành tài chính – ngân hàng. Tương tự, nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác không nhất thiết phải học một ngành nào đó mới làm việc được” – ông Hùng khẳng định.
Ngành ít, nghề nhiều
ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết trong lĩnh vực ngân hàng, sinh viên học ngành toán học được đào tạo theo hướng toán ứng dụng và toán tài chính, cũng có thể làm chuyên viên phát triển hệ thống tiền tệ trong ngân hàng. Các nhân viên kiểm định đá quý, kim cương, vàng trong các ngân hàng… chắc chắn không phải học ngành ngân hàng, mà đó là những người học ngành địa chất, hóa học.
“Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 240 trường ĐH với 367 ngành đào tạo, trong khi có hơn 3.000 nghề khác nhau. Như vậy có thể thấy số ngành rất ít mà số nghề rất nhiều. Điều quan trọng nhất là các em cần biết mình phù hợp với công việc nào, muốn làm gì và nên chọn những ngành học mình có thế mạnh và yêu thích” – ông Quán khuyên.
Trong khi đó, ThS Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho hay ngành luật là một ngành đa dạng nghề nghiệp. Sinh viên luật ra trường có thể làm được rất nhiều nghề khác nhau: luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, kiểm sát viên, thẩm phán và thậm chí có thể làm điều tra viên trong ngành công an.
“Như vậy với tấm bằng cử nhân luật, chúng ta có thể làm việc được ở tất cả các cơ quan nhà nước (các sở ban ngành), tòa án, viện kiểm sát, thi hành án… Nếu không thích làm việc ở cơ quan nhà nước, các bạn có thể làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân hoặc có thể mở doanh nghiệp, công ty tư vấn luật” – ông Hiển nói.
Theo PGS.TS Bùi Hoàng Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành và nghề có những điểm liên quan và không liên quan. Một ngành học xong có thể làm được rất nhiều nghề và có thể học nhiều ngành để làm một nghề.
Ví dụ, ngành kỹ thuật ôtô nhiều năm gần đây rất “hot” do có rất nhiều thí sinh chọn. Trong chiếc ôtô có khoảng 40% là điện và điều khiển. Để làm việc liên quan đến ngành ôtô có thể học các ngành về trí tuệ nhân tạo, cơ khí động lực, cơ khí chế tạo máy…
Không nên quá mơ mộng
Y dược là một trong những ngành thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh với lượng hồ sơ đăng ký dự thi hằng năm lớn, điểm chuẩn các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược học… luôn nằm trong tốp các ngành có điểm chuẩn cao nhất.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, khuyên: “Việc chọn ngành cần cân nhắc kỹ giữa đam mê và năng lực của mình, không nên quá mơ mộng dẫn đến việc rớt đại học. Nếu thật sự quá yêu thích ngành y nhưng không tự tin điểm số, thí sinh có thể chọn học ngành y học cổ truyền và y học dự phòng để theo đuổi đam mê của mình”.
Hào nhoáng nghề nghiệp
Theo TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành sư phạm tiếng Anh do được miễn học phí, chỉ tiêu ít nên sự cạnh tranh giữa các thí sinh rất khốc liệt, điểm chuẩn ngành này hằng năm rất cao, từ 27 điểm trở lên. Ngành báo chí cũng luôn nằm trong số các ngành có điểm trúng tuyển cao nhất của trường do sự hào nhoáng của nghề nghiệp.
“Nếu các bạn thích dạy tiếng Anh, tại sao không nghĩ đến việc sau này sẽ dạy tiếng Anh ở các trường ĐH. Hiện nay rất nhiều trường đào tạo ngành ngôn ngữ Anh, sinh viên học ngành này ra trường có thể dạy ở các trường ĐH, CĐ và các trung tâm Anh ngữ nổi tiếng.
Tương tự, không phải học ngành báo chí mới làm báo được. Thực tế không ít nhà báo giỏi tốt nghiệp từ các ngành ngoại ngữ, kinh tế, luật, toán, nông lâm… Do vậy, không nhất thiết phải gò bó mình ngay từ đầu khi chọn ngành học” – ông Hạ khuyên.