28/11/2024

Biệt đội xây cầu U-80

Hoạt đồng gần 10 năm với hơn 200 cây cầu lớn nhỏ được xây. Thật bất ngờ khi đội quân ấy không phải là những thanh niên trai tráng mà là các ông già đã ở tuổi U-60, U-70 và nhiều nhất là U-80.

 

Biệt đội xây cầu U-80

Hoạt đồng gần 10 năm với hơn 200 cây cầu lớn nhỏ được xây. Thật bất ngờ khi đội quân ấy không phải là những thanh niên trai tráng mà là các ông già đã ở tuổi U-60, U-70 và nhiều nhất là U-80.


 

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 1.

Mỗi người một việc công trường biệt đội làm đường U80 với vài chục người cùng làm việc thiện nguyện – Ảnh: NGỌC TÀI

Không chỉ góp ngày công, các cụ trong đội còn vận động được nhiều nhà tài trợ xây cầu. Nhờ đó mà bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện ngày một đổi mới

Ông DƯƠNG MINH THE (trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Lai Vung)

Trưa nắng, khuôn viên UBND xã Tân Phước, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) bao phủ một màu xanh dương – những chiếc áo thiện nguyện của… đội quân xây cầu U-80.

Hơn 70 người bắt đầu công việc đổ trụ cầu Kênh Cụt từ sớm tinh mơ đến khoảng 2h chiều thì hoàn thành.

Đội thi công cầu đường thiện nguyện huyện Lai Vung đi vào hoạt đồng gần 10 năm nay, đã xây hơn 200 cây cầu lớn nhỏ.

Một năm bội thu công trình

Người vác đá, vác cát, người chia nhỏ ximăng, rồi cứ 3 xô cát, 6 xô đá, 1 bao ximăng làm thành một mẻ bêtông. Không lâu sau, mọi người đều bê bết mồ hôi, trên gương mặt, quần áo đều lấm lem cát, bêtông văng trúng.

Dù không phải một công trường chuyên nghiệp nhưng công việc phân công rất trơn tru.

Vì đều đã có tuổi nên phương châm ở công trường luôn là làm vừa sức, mệt thì nghỉ ngơi, khỏe lại làm tiếp. Một góc nhỏ trong sân bày bàn ghế, nước uống, những ổ bánh mì.

Dù không có sức mạnh của người trẻ nhưng các cụ ông lại mang đến công trường tấm lòng, sự nhiệt huyết, hăng say. Làm thì có thể rỉ rả nhưng việc đảm bảo chất lượng luôn đặt lên hàng đầu.

Các công đoạn tính toán cát, đá, ximăng để khối bêtông đảm bảo chất lượng được cắt cử một người để giám sát xuyên suốt. Ước tính từ đầu năm 2018 đến nay đội đã thi công hơn 70 cây cầu lớn nhỏ. Một năm bội thu công trình nên lịch trình của các ông kín mít.

Ông Phan Văn Nghĩa, đội phó đội cầu đường, kể: “Hôm nay đổ cột cầu Kênh Cụt. Hôm qua thì mới hoàn thành đổ móng cầu ngã ba Mương Trâu, cầu Kênh Ông Phật. Thứ hai tới là ăn khánh thành cầu mương Dưa Hấu. Năm nay đội tụi tui xây cầu giáp 11 xã, 1 thị trấn ở huyện rồi” – ông Nghĩa nói.

Họ xây cầu, làm đường ở nhiều nơi, có khi là trong xã, trong huyện và còn lan cả sang các huyện lân cận, thậm chí là tỉnh bạn.

Như lần đi xây cầu ở tận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, chiếc cầu ngay trước một nhà dưỡng lão được thực hiện từ tiền của một nhà tài trợ từng cho kinh phí để xây cầu ở Lai Vung.

Vì cảm mến và tin tưởng đội xây cầu U-80 này nên nhà tài trợ ngỏ ý nhờ đội đi xây và nhận được sự đồng ý gần như tức khắc của cả đội.

“Đường sá xa xôi nên anh em chia nhau công việc. Ai sắp xếp được việc nhà đi vài bữa liên tục thì đi. Tui nhớ cũng gần hai tháng là xong” – ông Nghĩa cho biết.

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 3.

Luôn phụ giúp nhau là phương châm của những công nhân đặc biệt – Ảnh: NGỌC TÀI

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 4.

Năm 2018 là một năm bội thu công trình với biệt đội U80. Không chỉ xây cầu giáp các xã, thị trấn mà còn lan sang cả huyện bạn, tỉnh bạn – Ảnh: NGỌC TÀI

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 5.

Tập trung cao độ lúc làm việc – Ảnh: NGỌC TÀI

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 6.

Ông Phạm Văn Bảnh, 58 tuổi, một trong những thợ xây có tay nghề của đội. Tham gia thiện nguyện nhiều năm ông Bảnh nói hôm nào ở nhà là thấy bức rức – Ảnh: NGỌC TÀI

Cả gia đình trong một đội

 

Một điều đặc biệt nữa là công trường luôn có tiếng cười, xua tan bao mệt nhọc. Quây quần với nhau nghỉ ngơi dăm phút, ông Huỳnh Phú Chiến, 75 tuổi, mở đầu bằng câu chuyện của mình:

“Tui kể mấy ông nghe, tui mới mổ chân nhưng nó không đau mà lại ngứa. Mấy ông biết ngứa gì không? Ngứa chân, ngứa tay vì không được đi làm cầu. Nên tui trốn bệnh viện ra đây làm, chiều về rửa vết thương.

Toàn ở công trình mà bệnh viện vẫn tính tiền viện phí 254.000 đồng nhưng tôi vẫn phải đóng khi không thể trốn được với họ”.

Ông Huỳnh Hữu Kiệt, 71 tuổi, là anh em ruột với ông Chiến, cùng tham gia đội quân xây cầu. Vợ ông Chiến thì có mặt trong khu hậu cần lo cơm nước cho đội xây cầu.

Trong đội xây cầu này, gia đình ông Chiến không phải là gia đình duy nhất có chồng xây cầu vợ nấu cơm.

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 7.

Quây quần với nhau các chú, các ông lại kể cho nhau nghe những chuyện cười để vơi đi mệt nhọc – Ảnh: NGỌC TÀI

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 8.

Trong lúc xây cầu mới những chiếc cầu tạm cũng chuẩn bị sẵn sàng để việc đi lại của người dân ít bị ảnh hưởng nhất có thể – Ảnh: NGỌC TÀI

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 9.

Bữa trưa do đội an sinh xã hội xã phụ trách. Vừa có món mặn vừa có món chay để phục vụ nhu cầu của mỗi thành viên trong đội – Ảnh: NGỌC TÀI

Lan tỏa sang thế hệ trẻ

Đội thi công cầu đường thiện nguyện huyện Lai Vung tiền thân chỉ là một nhóm thi công cầu từ thiện thuộc xã Tân Hoà, chỉ khoảng 20 người. Vì hoạt động hiệu quả nên sau đó họ mở rộng thi công công trình trên toàn huyện và hiện nay đã lên hơn 120 thành viên.

Ở huyện có đội cầu đường thì ở xã cũng có đội an sinh xã hội. Đội cầu đường làm công trình ở xã nào thì đội an sinh xã hội của xã sẽ tiếp một tay rồi lo luôn cơm nước.

Càng đáng quý khi việc làm của các ông đã lan truyền sang nhiều bạn trẻ. Bạn Trần Thị Quỳnh Nương, 24 tuổi, được các bác, các ông đặt biệt danh là “đại tổng quản”. Nương chuyên trách làm nước, làm bánh mang đến công trường để ai đói thì lót dạ.

“Có hôm làm cầu về trễ ở nhà cha mẹ rầy nhưng đi làm cầu như thế này quen rồi không bỏ được” – Nương chia sẻ.

Bạn Trần Phước Nguyên, 19 tuổi, nhà ở xã Tân Phước, mấy ngày qua cũng vác xô theo mấy bác U-80 làm công trình. Nguyên cho rằng mấy bác tuổi đã cao còn không nề hà việc xã hội, cớ sao mình còn trẻ lại không phụ một tay!

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 10.

Ông Lê Văn Nghiệp, 71 tuổi, dù chân đau vẫn đến công trình phụ một tay. Xong việc ông lại đến bệnh viện để rửa vết thương – Ảnh: NGỌC TÀI

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 11.

Ông Phạm Văn Cu, 55 tuổi, một trong những người tham gia đầu tiên của đội. Dù công trình ở đâu ông cũng xung phong đi làm – Ảnh: NGỌC TÀI

Biệt đội xây cầu U-80 - Ảnh 12.

Nương – “đại tổng quản” chuyên lo làm nước phục vụ các chú, các ông – Ảnh: NGỌC TÀI

Giúp giảm thiểu kinh phí xây cầu

_dsc2520

Những chiếc cầu do Đội thi công cầu đường thiện nguyện huyện Lai Vung đã trở nên quá quen thuộc với người dân – Ảnh: NGỌC TÀI

Cũng nhờ đội quân làm cầu miễn phí nên hầu hết kinh phí xây các cầu đều thấp hơn so với dự toán.

Đơn cử như cầu Kênh Cụt dự toán kinh phí là 2 tỉ đồng nhưng nhờ có đội quân làm cầu miễn phí cũng như huy động sức dân nên ước chừng chỉ mất khoảng 800 triệu đồng là đủ.

 

NGỌC TÀI