27/11/2024

Học giả Trung Quốc tung tin vụ lập ADIZ ở Trường Sa của Việt Nam

Học giả Trung Quốc tung tin vụ lập ADIZ ở Trường Sa của Việt Nam

‘Sáng kiến theo dõi Nam Hải’ (SCSPI), một tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc, loan tin Bắc Kinh có thể lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam ‘nếu máy bay nước ngoài tiếp tục xâm phạm’.

 

Học giả Trung Quốc tung tin vụ lập ADIZ ở Trường Sa của Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh các nhà chứa máy bay Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng. Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, những nhà chứa này có kích thước đủ lớn cho tất cả máy bay quân sự của Trung Quốc (các máy bay trong ảnh trên chỉ mang tính chất minh họa nhưng đúng về tỉ lệ thật và do CSIS thêm vào) – Nguồn: CSIS

Trong báo cáo được công bố ngày 23-11, SCSPI khẳng định khả năng Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông tương tự biển Hoa Đông trong vài năm tới là “thấp”. Tổ chức nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh còn cho rằng các nhận định Trung Quốc sắp sửa lập ADIZ là “phỏng đoán và hiểu sai ý”.

Trung Quốc đã đơn phương thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013 nằm chồng lấn lên các vùng nhận dạng phòng không của các nước khác trong khu vực. Việc Trung Quốc liên tục cải tạo trái phép các thực thể chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam dẫn tới nhiều lo ngại Bắc Kinh sẽ lập ADIZ trong khu vực.

Một trong các chỉ dấu là việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng nhà chứa máy bay chiến đấu và oanh tạc cơ trên các thực thể như đá Chữ Thập, Subi thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo SCSPI, so với biển Hoa Đông, Bắc Kinh không cần lập ADIZ trên Biển Đông vì các vùng thông báo bay (FIR) đặt tại Tam Á và Hong Kong của Trung Quốc đã bao trùm phần lớn khu vực.

“Hai vùng FIR ở Hong Kong và Tam Á đã đủ để hỗ trợ việc nhận dạng phòng không”, báo South China Morning Post (SCMP) trích báo cáo lập luận. “Tuy nhiên, có khả năng ADIZ sẽ được thiết lập tại quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), hỗ trợ việc nhận dạng các máy bay dân sự nếu máy bay nước ngoài tiếp tục tiếp cận các vùng trời nằm bên ngoài FIR Tam Á và Hong Kong”.

Theo SCMP, các chiến lược gia và quân đội Trung Quốc đã manh nha lập ADIZ ở Biển Đông từ năm 2010, cùng năm họ lên ý tưởng cho ADIZ trên biển Hoa Đông. “Tình hình ở Biển Đông phức tạp hơn nhiều”, nguồn tin quân đội của SCMP giải thích tại sao Trung Quốc chưa hành động.

“Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc chỉ chồng lấn với Nhật Bản, Hàn Quốc. Bắc Kinh không muốn làm các nước Đông Nam Á thất vọng”, vị này lập luận.

Đáng chú ý, nguồn tin ẩn danh của SCMP còn cho biết quân đội Trung Quốc đã đánh giá và đi tới kết luận “lợi ích quốc gia của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng kể cả khi tàu chiến Mỹ tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế ở Biển Đông”.

Các vùng thông báo bay (FIR) được thiết lập dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia và phải thông qua Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế. FIR không mang ý nghĩa về chủ quyền nhưng có giá trị kinh tế. Mục đích của việc thiết lập các FIR liền kề nhau nhằm đảm bảo các chuyến bay (chủ yếu là dân sự) diễn ra an toàn và ứng phó hiệu quả trong tình huống khẩn cấp.

Mục đích duy nhất của việc thiết lập ADIZ là đảm bảo an ninh quốc gia. Mặc dù được tự do bay qua ADIZ, tất cả máy bay phải khai báo thông tin và chịu kiểm soát từ quốc gia tuyên bố. ADIZ đóng vai trò như một “vùng đệm” đảm bảo an toàn cho vùng trời quốc gia.

Theo học giả David A. Welch (Canada), các máy bay không tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin trong ADIZ có thể đối mặt với những biện pháp mạnh từ quốc gia tuyên bố xác lập ADIZ, từ điều máy bay chiến đấu ngăn chặn đến bắn hạ.

BẢO DUY
TTO