24/11/2024

Cạnh tranh vắcxin ngừa COVID-19, người dùng hưởng lợi

Cạnh tranh vắcxin ngừa COVID-19, người dùng hưởng lợi

Cùng với cuộc đua phát triển vắcxin ngừa COVID-19 giữa các nước, đang có một cuộc cạnh tranh về giá bán vắcxin giữa các nhà phát triển, một sự cạnh tranh mà ít nhất nhìn từ góc độ thị trường sẽ mang lại lợi ích cho người dùng.

 

Cạnh tranh vắcxin ngừa COVID-19, người dùng hưởng lợi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa về cuộc đua của Moderna và Pfizer trong việc đạt được hiệu quả phòng ngừa COVID-19 – Ảnh: TIMES OF INDIA

Vắcxin của Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) và vắcxin của Moderna (Mỹ), đều được phát triển bằng công nghệ RNA thông tin (mRNA), có hiệu quả thử nghiệm lần lượt là 95% và 94,5%, làm dấy lên hi vọng chấm dứt đại dịch cho tới nay đã giết chết hơn 1,3 triệu người và tàn phá các nền kinh tế trên thế giới.

Nga tuyên bố bán vắcxin rẻ hơn Mỹ

Ngay sau khi hai hãng dược Mỹ Pfizer và Moderna công bố giá bán một liều vắcxin COVID-19 của họ lần lượt là 19,5 USD và từ 25-37 USD tùy theo số lượng đặt hàng, nhà phát triển vắcxin COVID-19 của Nga tuyên bố sẽ bán với giá rẻ hơn thế rất nhiều trong tuần tới.

Giá bán vắcxin COVID-19 của Hãng Pfizer và BioNTech không quá đắt: 19,5 USD/liều, tương đương với chi phí 39 USD/bệnh nhân vì mỗi người phải tiêm hai liều cách nhau 21 ngày.

Mức giá này tương đương giá vắcxin phòng cúm ở Mỹ (khoảng 40 USD/người nếu không có bảo hiểm hoặc không tốn phí đồng chi trả nào nếu có bảo hiểm).

Mức giá mà Pfizer và BioNTech đưa ra rõ ràng đã thấp hơn đáng kể so với giá của Moderna. Vắcxin của Moderna phải tiêm hai liều cách nhau 4 tuần nên thực tế mỗi người sẽ tốn từ 50-74 USD để được tiêm phòng COVID-19.

Trong mùa hè năm nay, Hãng Johnson & Johnson thông báo sẽ bán vắcxin COVID-19 của họ với giá 10 USD sau khi được cấp phép lưu hành. Tuy nhiên tới thời điểm này Johnson & Johnson vẫn chưa hoàn thành xong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối để có thể nộp hồ sơ xin Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Mỹ cấp phép.

Hiệu quả của một vắcxin rõ ràng phụ thuộc một phần quan trọng vào giá bán của nó. Bởi dù cho một loại vắcxin có hiệu quả phòng ngừa cao tới đâu, nếu quá ít người có khả năng tiếp cận, cộng đồng vẫn không thể đạt được miễn dịch cộng đồng để dần kiểm soát và chấm dứt đại dịch.

“Giá trị sau cùng của một vắcxin thực sự được quyết định bởi phạm vi bao phủ của nó” – tạp chí Forbes dẫn nhận xét của tiến sĩ Bruce Y. Lee – giáo sư về chính sách và quản lý y tế tại Đại học TP New York, Mỹ.

“Nếu chỉ có một tỉ lệ phần trăm nhất định người dân được tiêm vắcxin, khi đó chúng ta sẽ không thể thực sự đạt đủ mức độ cần thiết để có thể giảm đáng kể tình trạng lây lan virus” – ông Lee nói thêm.

Giá cả sẽ chi phối tác dụng vắcxin

Theo trang Business-Standard, vì Moderna từng nói họ sẽ không duy trì bản quyền vắcxin COVID-19 cho tới khi đại dịch kết thúc, điều này mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể sản xuất vắcxin phiên bản generic với giá thành thấp hơn, giúp nhiều người hơn nữa được sử dụng.

Báo The Guardian (Anh) chỉ ra những vấn đề nữa cũng đáng lưu ý về cơ hội tiếp cận vắcxin COVID-19 do các hãng dược Mỹ phát triển. Do vấn đề giá cả khá cao, cộng thêm những mối liên hệ với Chính phủ Mỹ nên các nước khác hẳn sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới có thể mua vắcxin COVID-19 của Mỹ.

Chẳng hạn, Công ty Moderna nhận tài trợ 2,48 tỉ USD của Chính phủ Mỹ để phát triển vắcxin và cho tới cuối năm nay họ phải cung cấp 20 triệu liều để sử dụng cho người dân trong nước.

Chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc sẽ trợ giá cho việc phân phối vắcxin COVID-19 tới những nước nghèo hơn, do đó các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình sẽ phải tìm cơ hội tiếp cận thêm những nguồn cung vắcxin khác ngoài Mỹ.

COVAX là kế hoạch phân bổ vắcxin COVID-19 toàn cầu do Liên Hiệp Quốc phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện.

Một vắcxin COVID-19 hiệu quả sẽ giúp toàn cầu thoát khỏi những đợt phong tỏa, thoát khỏi tình trạng đơn độc và rất nhiều thảm họa kinh tế.

Điều tối quan trọng là nó phải giúp được tất cả mọi người. Vì như tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – đã nói, dịch bệnh sẽ không chấm dứt cho tới khi nó chấm dứt ở tất cả mọi nơi trên quả đất này.

Anh, Đức, UNICEF sắp phân phối vắcxin

Báo The Telegraph (Anh) ngày 22-11 dẫn các nguồn tin Chính phủ Anh đưa tin các nhà làm luật nước này đang chuẩn bị việc đánh giá chính thức vắcxin của Hãng Pfizer và đối tác BioNTech (Đức).

Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh cũng được yêu cầu sẵn sàng phân phối vắcxin từ ngày 1-12. Anh đã đặt tổng cộng 40 triệu liều vắcxin COVID-19 và trong cuối năm nay có thể nhận được 10 triệu liều, đủ tiêm phòng cho 5 triệu người.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói nước này có thể phân phối vắcxin từ tháng sau. “Có lý do để lạc quan rằng vắcxin sẽ được thông qua ở châu Âu trong năm nay. Và khi đó chúng tôi sẽ bắt đầu (phân phối) ngay lập tức” – ông Spahn nói. Ông cho biết đã yêu cầu chính quyền các bang chuẩn bị sẵn trung tâm tiêm ngừa vào giữa tháng 12-2020.

Trong khi đó, UNICEF đang làm việc với hơn 350 hãng hàng không và công ty vận chuyển hàng hóa để cung cấp 2 tỉ liều vắcxin và khoảng 1 tỉ ống tiêm đến các nước như Burundi, Afghanistan và Yemen trong khuôn khổ COVAX.

12,3 triệu

Theo báo The New York Times, trong tuần qua, Mỹ – quốc gia đang là tâm dịch COVID-19 của thế giới – ghi nhận trung bình 171.461 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 54% so với số ca mắc mới trung bình mỗi ngày của hai tuần trước đó. Riêng trong ngày 22-11, Mỹ ghi nhận 141.641 ca mới, ít nhất 834 người chết vì COVID-19.

Tính tới sáng 23-11 (giờ Mỹ), quốc gia này có hơn 12,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó ít nhất 256.500 người chết, theo cơ sở dữ liệu của The New York Times.

AstraZeneca công bố vắcxin COVID-19 có thể hiệu quả tới 90%AstraZeneca công bố vắcxin COVID-19 có thể hiệu quả tới 90%

TTO – Hãng AstraZeneca của Anh cho biết vắcxin COVID-19 của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90% mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

D.KIM THOA
TTO