Chính phủ điều chỉnh dự án BRT ở TP.HCM còn hơn 143 triệu USD
Chính phủ điều chỉnh dự án BRT ở TP.HCM còn hơn 143 triệu USD
Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM (dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1) từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo đó, Chính phủ cho phép chuyển đổi nguồn vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) sang nguồn vốn Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). Tổng mức vốn đầu tư dự án được điều chỉnh từ gần 156 triệu USD xuống còn 143 triệu USD; trong đó, vốn vay IDA hơn 123 triệu USD, vốn đối ứng hơn 20 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án được gia hạn đến tháng 12.2023.
Chính phủ giao UBND TP.HCM thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định đầu tư dự án theo nội dung được phê duyệt, bảo đảm không gia hạn thời gian thực hiện đối với hoạt động có tính chất chi thường xuyên sử dụng vốn vay WB theo đúng Chỉ thị số 18/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Theo quy hoạch, TP.HCM có 6 tuyến xe buýt nhanh BRT, trong đó tuyến BRT số 1 dài 23 km chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ (đi qua các quận, huyện: 1, 2, 5, 6, Bình Chánh, Bình Tân).
Điểm đầu tuyến tại Bến xe Miền Tây và điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (quận 2) gồm các hạng mục: 1 depot ở Thủ Thiêm, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển, 31 trạm dừng dọc tuyến và 30 xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên CNG.
TPHCM kỳ vọng sau khi tuyến buýt nhanh BRT số 1 đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, tái cấu trúc mạng lưới xe buýt kết hợp với tuyến xe điện ngầm, qua đó định hình mạng lưới vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Nhờ đó, xe buýt trở thành phương án thay thế cho các phương tiện giao thông cá nhân, trước mắt là trên tuyến đường Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, sau đó mở rộng ra các tuyến đường khác.
SỸ ĐÔNG
TNO