Nhật ký phóng viên: Cô hiệu trưởng và ‘người bạn’ lớp 2
Nhật ký phóng viên: Cô hiệu trưởng và ‘người bạn’ lớp 2
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) trở thành bạn bè với một… học trò lớp 2 trong trường.
“Tình bạn” đẹp giữa cô và cô học trò xuất phát từ nhu cầu cần tâm sự về chuyện gia đình của cô học trò. Cô hiệu trưởng kể: “Khi chưa trở thành bạn tâm giao, thỉnh thoảng tôi ngồi trong phòng làm việc thấy cô bé thập thò ngoài cửa sổ. Hỏi trò có việc gì mà lên gặp cô, trò không nói gì mà chỉ lặng lẽ cúi đầu rồi đi về lớp học, nét mặt phảng phất buồn”.
Mấy ngày tiếp đó, cứ sau tiếng trống báo nghỉ giữa các tiết học là y rằng cô bé thập thò ngoài cửa sổ. Cô hiệu trưởng cảm giác cô bé đang có chuyện muốn gặp nhưng chưa dám nói nên ngoắc tay gọi bé vào phòng. Cô bé ngồi lặng lẽ một lúc rồi mới nói: “Em muốn tâm sự với cô!”. Cô T. kể khi nghe cô học trò nói với một giọng điệu già dặn như vậy thì cô cười lớn. Cô bé lắc đầu, vẻ phật ý, nói: “Em nói thiệt đó, chuyện gia đình chớ không phải chuyện ở lớp em mô”.
Cô hiệu trưởng thấy học trò rất nghiêm túc vậy thì gật đầu. Vậy là cô bé kể rằng ba và mẹ đang sắp bỏ nhau. Ngày nào đi học về em cũng thấy vẻ mặt ba buồn rầu, có khi ba lại la mắng mẹ. Mỗi lần ba la mẹ, mẹ cứ thách thức với ba là sẽ đi khỏi nhà và không cần ba nữa. Có khi ba buồn, ngồi im lặng rồi hút thuốc dữ lắm. Có khi ba ôm em và em trai. Em thấy vẻ mặt ba buồn ghê gớm lắm… “E mẹ em có người khác rồi mới xảy ra chuyện như rứa đó cô ạ”, cô bé chia sẻ.
Từ đó, thỉnh thoảng cô học trò lại tới phòng cô hiệu trưởng ngồi tâm sự. Có khi cô bé hỏi chuyện này chuyện khác về ba mẹ của nhà cô, rồi ba mẹ của nhà của bạn bè trong lớp. Cô bé còn nói thương nhất là em Cu vì em Cu còn nhỏ. Sợ mẹ bỏ đi, em ở với ba, ba lấy dì ghẻ thì em Cu khổ! Hơn một học kỳ, cô hiệu trưởng trở thành “bác sĩ tâm lý” cho cô học trò nhỏ dại. “Nếu tôi bỏ lơ, không thấu hiểu, không trở thành người bạn cho em giãi bày những lúc em cần và đặt niềm tin, sợ em sẽ có những hành động sai lạc. Thương nhất là sợ có lúc em sẽ phải chịu tổn thương quá lớn so với lứa tuổi thơ ngây, non nớt của em…” – cô hiệu trưởng bộc bạch.
Một hôm, cô bé lại lên gặp cô hiệu trưởng với vẻ mặt khá buồn và trầm tư. Cô hiệu trưởng gặng hỏi mãi, cô bé mới nói: “Em muốn lấy dao giết mẹ! Em không muốn mẹ đi lấy người khác”. Cô hiệu trưởng kể với nét mặt đượm buồn: “Tôi choáng váng trước câu nói đó của cô bé. Tôi chỉ còn biết ôm em vào lòng mình, với cảm xúc yêu thương thực sự như một người mẹ yêu thương con. Lúc ấy và mãi mãi sau này trong tôi, có lẽ em ấy không còn là một cô bé học trò như bao em khác trong trường. Em sẽ là cô học trò – bạn bè cần được lưu tâm hơn về mọi mặt”.
Sau nỗ lực khuyên nhủ của cô hiệu trưởng, cô bé không còn vấn vương những câu hỏi về chuyện bỏ đi khỏi nhà hay đòi lấy dao giết mẹ nữa. Cô bé chăm học hơn trước và thỉnh thoảng mới lên thăm “bạn” tâm giao là cô hiệu trưởng. Nhưng còn một câu hỏi của cô học trò, cô hiệu trưởng vẫn chưa trả lời được, đó là: “Cô ơi, ba mẹ của các bạn có như ba mẹ em không cô?”.