Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài: Động lực của cả vùng
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài: Động lực của cả vùng
‘Cần xác định những công trình kết nối hạ tầng đi qua những địa phương cụ thể nhưng mang lại động lực phát triển cho cả vùng, qua đó tập trung nguồn lực đầu tư cho những công trình giao thông cấp bách’
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Ngọc – chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh – với Tuổi Trẻ về những giải pháp để kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ, trong đó có cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) mà Chính phủ đã có chủ trương xây dựng.
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, đây là tuyến đường quan trọng không chỉ kết nối, thúc đẩy kinh tế – xã hội của hai địa phương mà còn góp phần thúc đẩy kết nối cả vùng kinh tế Đông Nam Bộ và phát triển kinh tế đối ngoại của đất nước.
Theo tôi, việc liên kết vùng hiện nay vẫn cần nhất là phải xác định và thúc đẩy vai trò của “nhạc trưởng” trong kết nối vùng. Hiện nay các tỉnh đều đã có những bản ghi nhớ, ký kết hợp tác nhưng vẫn thiên về song phương.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc (chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh)
“Cú hích” kinh tế cho cả vùng
* Tuyến cao tốc chỉ đi qua hai địa phương, nhưng như ông nói, tầm quan trọng không chỉ dừng lại ở đó?
– Tuy tuyến đường chỉ đi qua địa giới hành chính của hai địa phương là TP.HCM và Tây Ninh nhưng chúng tôi cho rằng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ tạo “cú hích” lớn cho việc phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo nghiên cứu sơ bộ, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ có các nút giao kết nối với đường vành đai 3, vành đai 4 của TP.HCM, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa của cả vùng để xuất nhập khẩu với nước bạn Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Để “nối dài” hiệu quả của dự án, UBND tỉnh Tây Ninh đang kiến nghị Chính phủ để quy hoạch và phát triển thêm tuyến đường nối từ cao tốc TP.HCM – Mộc Bài lên cửa khẩu Xa Mát, đi ngang qua thành phố Tây Ninh.
Ngoài ra, các tuyến đường kết nối Tây Ninh với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Long An… cũng đang được chúng tôi thúc đẩy, như tuyến đường Đất Sét – Bến Củi và cầu nối Tây Ninh – Bình Dương đang được mở rộng 6 làn xe.
Từ trục “xương sống” là cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, các tuyến đường kết nối vào cao tốc sẽ tạo ra sự lan tỏa và phát huy hiệu quả của dự án.
* Tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là sự kỳ vọng của cả vùng, nhưng trong bối cảnh thủ tục đầu tư và nguồn vốn có những khó khăn nhất định thì giải pháp nào để thúc đẩy, sớm đưa dự án thành hiện thực?
– Với ý nghĩa kết nối vùng quan trọng nên vừa qua Chính phủ đã có chỉ đạo, thống nhất để UBND TP.HCM là đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Vừa qua, giữa hai tỉnh, thành phố đã có ký kết ghi nhớ để phối hợp, thúc đẩy dự án.
Với Tây Ninh, chúng tôi đang phối hợp để hoàn chỉnh báo cáo tiền khả thi, trình HĐND tỉnh để ủy quyền cho HĐND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Việc thống nhất về đầu mối quản lý dự án, kết hợp với sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai địa phương sẽ góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án.
Tây Ninh là cửa ngõ quan trọng
* Với quy mô đầu tư lớn, làm sao để phát huy hiệu quả dự án?
– Kinh nghiệm phát triển của nhiều nơi đều chỉ rõ hạ tầng, trong đó có hạ tầng về giao thông, luôn cần đi trước một bước.
Khi đánh giá vai trò của tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài trong cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vai trò trong kinh tế đối ngoại của đất nước thì sẽ thấy hết sự cần thiết và các giải pháp để thúc đẩy và phát huy hiệu quả của dự án này.
Các tỉnh phía Nam hiện có hơn 1.000km đường biên giới, trong đó Tây Ninh có 3 cửa khẩu chính và 11 cửa khẩu phụ. Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) là một trong những cửa khẩu quan trọng nhất khu vực phía Nam, là nơi xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả vùng và đặc biệt là cho “đầu tàu kinh tế” TP.HCM.
Trước đây, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã được triển khai với kỳ vọng về một “thành phố Mặt Trời” nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Sau hơn 20 năm, chúng tôi đang phối hợp với các chuyên gia đánh giá lại, có những giải pháp điều chỉnh phù hợp cho việc xây dựng khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó, việc có tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ là một điểm sáng mới, góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu.
Khi có tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ là một tiền đề để thu hút các nhà đầu tư lớn mạnh dạn triển khai các dự án.
* Ông có góp ý gì về việc phối hợp để thúc đẩy các dự án liên kết vùng kinh tế Đông Nam Bộ?
– Theo tôi, việc liên kết vùng hiện nay vẫn cần nhất là phải xác định và thúc đẩy vai trò của “nhạc trưởng” trong kết nối vùng.
Hiện nay các tỉnh đều đã có những bản ghi nhớ, ký kết hợp tác nhưng vẫn thiên về song phương. Rất cần vai trò của đầu tàu, để xác định trong vùng thì tiềm năng nào là tiềm năng của địa phương, tiềm năng nào nằm ở một địa phương nhưng lại là tiềm năng của cả nước…
Từ đó sẽ xác định được ưu tiên và huy động nguồn lực để thúc đẩy nhanh cho các tiềm năng của cả vùng, của cả nước.
Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ
Đó là chủ đề của chương trình hội thảo do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức. Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 22-11 tại khách sạn Pullman, TP Vũng Tàu.
Đông Nam Bộ (ĐNB) là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra thế giới.
Các tỉnh vùng ĐNB có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách của cả nước. Tuy nhiên thời gian qua, sự phát triển của vùng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Trong đó, một trong những nguyên nhân là do điểm nghẽn hạ tầng giao thông.
Trước thực trạng trên, từ tháng 7-2020, báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn “Kết nối hạ tầng Đông Nam Bộ” đã thu hút ý kiến, hiến kế, phản biện đa chiều từ các chuyên gia, cơ quan quản lý cùng đông đảo người dân, bạn đọc.
Tại hội thảo, các khách mời sẽ tập trung thảo luận về các nội dung cần tháo gỡ như công tác giải phóng mặt bằng, cơ chế vốn, chính sách… nhằm thúc đẩy nhanh các dự án kết nối hạ tầng vùng ĐNB.
Hội thảo với sự tham gia của hơn 150 khách mời gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Chính Phủ, Bộ GTVT, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết ĐNB, các chuyên gia, doanh nghiệp…
ÁI ĐIỆP
Tích cực chuẩn bị dự án
Hiện nay các bước chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đang được UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh tích cực phối hợp, báo cáo các cơ quan trung ương để thực hiện.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ chạy song song với quốc lộ 22, có điểm đầu là nút giao với đường Vành đai 3 (TP.HCM) và điểm cuối là Khu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Để xây dựng khoảng 53km dự án, dự kiến sẽ phải thu hồi hơn 231ha đất tại Tây Ninh (bao gồm 365 hộ dân) và 208ha tại TP.HCM (bao gồm 207 hộ dân).
Theo phương án nghiên cứu mới nhất, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 13.600 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị gần 8.500 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.117 tỉ đồng.