Mở ‘xa lộ’ vào châu Âu trong tâm dịch
Ngày 1.8 vừa qua, ngay trong bão của đại dịch Covid-19, Hiệp định thương mại Việt Nam -EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mở thêm một “xa lộ” mới trong bối cảnh hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kết quả chỉ sau tháng đầu tiên hiệp định chính thức có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng đến 600 triệu USD.
Gạo vào eu với giá kỷ lục
Theo số liệu của Bộ Công thương, kết thúc tháng 8, xuất khẩu hàng hóa của cả nước sang thị trường EU đạt 3,37 tỉ USD, tăng gần 300 triệu USD so với tháng 7, tăng 600 triệu so với mức trung bình của 7 tháng.
Tuy kết quả tháng đầu tiên sau khi EVFTA có hiệu lực còn khiêm tốn, song theo đánh giá của Bộ Công thương, đây là khởi đầu khá tích cực trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động không nhỏ lên tổng cầu tiêu dùng hàng hóa tại EU. Sự kiện đáng nhớ nhất trong xuất khẩu hàng hóa sang EU sau EVFTA có hiệu lực vào đầu tháng 8 chính là lô hàng 3.000 tấn gạo thơm của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất đi EU với giá 1.080 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất cùng loại trước đây đến 200 USD/tấn. Công ty Trung An cho biết trong tháng 10 sẽ có lô hàng “giá tốt” xuất đi Pháp theo hạn ngạch EVFTA.
Sang tháng 9, các nền kinh tế thế giới vẫn đang bị áp lực bởi dịch Covid-19, con số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu giảm tại các nước châu Âu mặc dù các quốc gia nỗ lực kìm hãm bằng mọi cách. Số ca nhiễm mới ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha tiếp tục tăng. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sang EU của Việt Nam lại tiếp tục khởi sắc. Hàng loạt doanh nghiệp liên tục làm lễ đưa những lô hàng nông sản lớn sang EU theo Hiệp định EVFTA. Dẫn đầu vẫn là gạo. Từ tháng 1 – 8.2.2020, xuất khẩu gạo đi châu Âu đạt gần 16.000 tấn, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD.
|
Sau Trung An, ngày 22.9, lô gạo thơm 126 tấn của Tập đoàn Lộc Trời cũng lên đường sang EU theo hạn ngạch 30.000 tấn gạo thơm của EVFTA. Khi chưa hưởng thuế 0% từ EVFTA, Tập đoàn Lộc Trời nắm 17% thị phần gạo xuất khẩu của cả nước sang EU và riêng gạo Jasmine chiếm hơn 50%. Trước đó là những lô hàng tôm đông lạnh của một doanh nghiệp (DN) tại Ninh Thuận xuất sang Đức, Hà Lan và Anh với tổng trọng lượng 60 tấn và theo kế hoạch, DN này xuất khoảng 700 tấn tôm sang EU mỗi tháng.
Theo Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0 – 22%, trong đó phần lớn là từ 6 – 22% đã về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Đây cũng là nguyên nhân chính để VASEP tự tin đưa ra kết hoạch xuất khẩu thủy sản năm nay đạt 8,3 tỉ USD, bất chấp Covid-19, trong đó xuất sang EU tăng 20% vào cuối năm nay.
Cũng trong nhóm hàng nông sản, Công ty VINA T&T trong tháng 9 đã khởi động xuất lô hàng container 20.000 quả dừa tươi đi Anh, 12 tấn bưởi da xanh đi Đức và 3 tấn thanh long sang Hà Lan bằng đường hàng không. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết đơn hàng trái cây xuất đi EU tăng rõ rệt sau EVFTA có hiệu lực. Hy vọng sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, trái cây xuất khẩu Việt Nam sẽ có tăng tốc tốt tại thị trường này, vì người châu Âu vốn rất yêu chuộng nhiều loại trái cây Việt, trong đó có chanh leo, bưởi, xoài, thanh long, dừa…
Theo báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15.9, nền kinh tế Việt Nam được dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Tăng trưởng kinh tế vẫn vững vàng trong năm 2020 phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Báo cáo ADO 2020, ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu của ADB phân tích nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam; sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với EU. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.
Ngoài nông sản, nhiều nhóm hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đang vẽ lên gam màu sáng trên bức tranh xuất khẩu sang thị trường EU như điện thoại, linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, giày dép…
Thu hút vốn FDI từ EU
Tuy nhiên, với EVFTA, câu chuyện không chỉ có thương mại, mà là cơ hội thu hút vốn ngoại chất lượng cao từ EU vào Việt Nam. Chuyên gia marketing thị trường EU Vũ Quốc Chinh nhấn mạnh không nên cứ bàn đến chuyện xuất khẩu con tôm, con cá tra, bao gạo thơm hay lô trái cây… EVFTA và EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU) song hành cùng thời điểm, là cơ hội thu hút vốn đầu từ nước ngoài, theo chân các dự án trong chuỗi sản xuất để vào Việt Nam trong tương lai xa.
|
“Dịch bệnh Covid-19 đã đảo lộn nhiều kế hoạch của nhà đầu tư nhưng chính các hiệp định mới có hiệu lực từ tháng 8 là điểm son quảng bá tốt nhất cho môi trường và cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong tương lai. Ngoài chuyện thương mại là phải đạt được hiệu quả trong thu hút vốn sạch, chất lượng, nâng giá trị sản phẩm và “hội nhập mềm mại” nhất có thể”, ông Chinh nói.
Thực tế, luồng vốn từ EU cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc. Ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, vào tháng 5.2020, nhà sản xuất băng dính Đức Tesa SE công bố sẽ đầu tư 55 triệu euro (tương đương hơn 60 triệu USD) để mở một nhà máy dây chuyên sản xuất băng dính công nghệ cao, phục vụ ngành công nghiệp điện tử và ô tô tại Việt Nam. Theo kế hoạch, Tesa SE sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2023, sử dụng khoảng 140 nhân viên trong giai đoạn đầu. Kế hoạch đầu tư nhà máy lớn tại Việt Nam theo tiết lộ của đại diện hãng này là “mang đến cho Tesa SE cơ hội tốt nhất để rút ngắn con đường đến khách hàng và các nhà cung cấp tại Đông Nam Á và Trung Quốc”. Quan trọng hơn, khách hàng của Tesa trong ngành điện tử và ô tô cũng đang dịch chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam nhiều hơn.
|
Tập đoàn Bosch (Đức) liên tục tăng vốn đầu tư tại Việt Nam từ 55 triệu euro ban đầu, lên 321 triệu euro (tương đương khoảng 380 triệu USD) ở thời điểm hiện tại. Đại diện Bosch tại VN cho rằng việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan giúp các DN châu Âu như Bosch xuất nhập khẩu hàng hóa dễ dàng hơn, tiện hơn và tiếp cận thị trường tốt hơn.
Đại diện EuroCham tại Việt Nam nhận định EVFTA và EVIPA sẽ kích thích hoạt động thương mại của Việt Nam với thị trường tiêu dùng lớn EU, tăng cường vai trò của DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng quốc về và thu hút được nhiều nguồn đầu tư mới từ khu vực này.
Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Quốc Chinh nhấn mạnh EVFTA tạo động lực phát triển công nghiệp phụ trợ mà chính EVIPA góp phần thúc đẩy chính. Ông nói quy tắc xuất xứ trong EVFTA là thách thức cho xuất khẩu dệt may, nhưng nó bao hàm cơ hội thu hút đầu tư theo chuỗi giá trị. Các nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng hàng sản xuất xuất khẩu vào EU sẽ chọn Việt Nam như điểm đến có lợi nhất, tận dụng được thuế suất 0% và gia tăng bán hàng.
Còn cú hích cuối năm để cất cánh
Tuy nhiên, thương mại quốc tế đang là một trong số những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất từ đại dịch. Trong những tháng tới, theo dự báo, thương mại thế giới có thể chứng kiến sự sụt giảm liên tục. Cung và cầu của nền kinh tế toàn cầu đang bị gián đoạn do các nhà máy sản xuất đóng cửa, phá sản. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” sẽ khiến khả năng giao thương hàng hóa khó tăng tốc, đặc biệt với ngành hàng không thuộc nhóm tiêu dùng thiết yếu. Đánh giá của tổ chức Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho thấy chính đại dịch Covid-19 sẽ khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu giảm từ 5 – 15% trong năm nay. Ông Chinh cũng lưu ý DN cần theo dõi sát Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – một hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới – có thể được ký kết vào cuối năm nay sẽ thêm “cú hích” lớn cho Việt Nam cất cánh.
|
Nếu được ký kết, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với GDP có quy mô lên tới 32% tổng GDP toàn cầu, chiếm khoảng 32.000 tỉ USD, quy mô dân số 47,5% dân số thế giới. Bộ Công thương cho rằng nếu đi vào thực thi, RCEP sẽ tạo thuận lợi cho việc luân chuyển hàng hóa thương mại dịch vụ. Đặc biệt, cải cách sâu đậm các lĩnh vực để thực hiện thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu… Để tận dụng các FTA, Bộ Công thương nhấn mạnh một trong những việc DN Việt cần làm ngay là đầu tư nâng giá trị chất lượng sản phẩm.
“Chỉ có chất lượng sản phẩm mới củng cố được tính cạnh tranh hàng Việt ra thị trường khó tính như EU”, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An, khẳng định và dẫn chứng gạo Việt bán được giá tốt tại EU nhờ chất lượng đã được cải thiện đáng kể trong mấy năm gần đây.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng: “Việt Nam là nước tham gia nhiều FTA, đó là cơ hội lớn mà không phải quốc gia đang phát triển nào cũng có được. Các hiệp định thương mại tự do cho chúng ta cơ hội phát triển thành trung tâm sản xuất của khu vực. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có lợi thế là quốc gia được tiếp cận thị trường EU gần 10 năm trước và chỉ cạnh tranh trong khu vực với mỗi Singapore, nước đã ký FTA với EU trước VN 1 năm. Không tận dụng thu hút dòng vốn cao cấp từ các nước phát triển châu Âu ngay từ lúc này, chúng ta sẽ để vuột mất cơ hội mà có thể vài chục năm sau ta chưa có cơ hội để sửa sai được”.
Việt Nam hiện là thành viên tham gia và ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA có hiệu lực tính hết tháng 9.2020:
1. Hiệp định AFTA được ký bởi 10 quốc gia trong ASEAN có hiệu lực từ năm 1993
2. Hiệp định ACFTA giữa ASEAN và Trung Quốc, có hiệu lực từ năm 2003
3. Hiệp định AKFTA giữa ASEAN và Hàn Quốc, có hiệu lực từ năm 2007
4. Hiệp định AJCEP giữa ASEAN và Nhật Bản, có hiệu lực từ năm 2008
5. Hiệp định VJEPA giữa Việt Nam và Nhật Bản, có hiệu lực từ năm 2009
6. Hiệp định AIFTA giữa ASEAN và Ấn Độ, có hiệu lực từ năm 2010
7. Hiệp định AANZFTA giữa ASEAN và Úc, New Zealand, có hiệu lực từ năm 2010
8. Hiệp định VCFTA giữa Việt Nam và Chile, có hiệu lực từ năm 2014
9. Hiệp định VKFTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc, có hiệu lực từ năm 2015
10. Hiệp định Việt Nam – EAEU FTA giữa Việt Nam và Nga, Belarus, Amenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, có hiệu lực từ năm 2016
11. Hiệp định CPTPP (tiền thân là TPP) giữa các nước Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, có hiệu lực từ cuối 2018 đầu 2019
12. Hiệp định AHKFTA giữa ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc), có hiệu lực từ năm 2019
13. Hiệp định EVFTA, giữa Việt Nam và EU (gồm 27 nước thành viên), có hiệu lực từ ngày 1.8.2020
Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán 3 FTA: RCEP (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand), khởi động đàm phán từ 3.2013, dự kiến ký kết vào cuối năm nay 2020; Việt Nam-EFTA (Việt Nam, Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), khởi động đàm phán vào tháng 5.2012; Việt Nam – Israel FTA (Việt Nam và Israel), khởi động đàm phán từ tháng 12.2015.
NGUYÊN NGA
TNO