24/11/2024

Từ khủng hoảng, nghĩ lớn hơn

Từ khủng hoảng, nghĩ lớn hơn

Năm 2020 với đại dịch COVID-19 là trải nghiệm chưa từng có trong đời với nhiều doanh nhân mảng du lịch. Các doanh nhân đã vật lộn để giữ việc làm cho nhân viên, chuyển đổi để tồn tại.

Từ khủng hoảng, nghĩ lớn hơn - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy sản xuất của Công ty Du lịch Việt vừa chuyển sang sản xuất thiết bị bảo hộ y tế – Ảnh: X.T.

Dịch COVID-19 đã đưa đẩy họ đến những bước rẽ mới để mong chờ một ngày “sau cơn mưa trời lại nắng”, quay về với ngành cốt lõi theo cách thức mới, với cách nghĩ lớn hơn.

Xoay xở giữ việc cho nhân viên

Đến nay ông Trần Văn Long, tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, nhìn lại 10 tháng vật lộn với dịch COVID-19 “vẫn không khỏi rùng mình”.

Ông chia sẻ đến ngày đơn hàng khẩu trang y tế, một bước rẽ của doanh nghiệp này trong những ngày dịch bùng phát, được xuất khẩu đi Mỹ cuối tháng 8 rồi ông mới tin rằng mình đã làm đúng.

“Từ khi dịch bùng phát, chúng tôi chuyển hướng sang nhiều cách: từ hỗ trợ giải cứu dưa hấu đến bán nông sản, rau củ, nước rửa tay, xây dựng kịch bản ứng phó dịch theo từng tháng, từng quý.

Nhưng dịch COVID-19 đã kéo dài hơn dự đoán, toàn bộ kế hoạch ứng phó của công ty du lịch lần lượt phá sản. Nhìn cách thế giới đối phó với đại dịch, tôi nhìn thấy cơ hội với ngành hàng mới là sản phẩm, vật tư bảo hộ y tế” – ông Long kể.

Dịch đợt 2 dần được kiểm soát, các đơn hàng khẩu trang, bảo hộ y tế vẫn đang đều đặn cho ra thị trường, Du lịch Việt của ông Long cũng bắt đầu quay lại thị trường du lịch.

Nhưng với sở trường chuyên phục vụ khách nội du lịch nước ngoài, sự trở lại cũng cần thời gian. Với thế mạnh về tiếp thị trực tuyến, ông Long cho biết công ty sẽ thay đổi cách thức tiếp cận thị trường, du khách.

Nghĩ về những công việc đã kinh qua, ông Long nói những cuộc chuyển hướng này không hẳn để “kiếm thêm” hay duy trì doanh nghiệp, mà để nhân viên có thêm việc làm, nuôi sống họ và gia đình.

“Đi qua những giai đoạn khó khăn của ngành du lịch, tôi nghiệm rằng nếu một doanh nhân chỉ lo kiếm đầy túi thì chẳng bao giờ làm lớn được. Doanh nhân theo đuổi lợi nhuận để những người đồng hành cùng mình, nhân viên của mình cùng được hưởng lợi, đóng góp chút gì đó cho xã hội, đó mới là điều nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân” – ông Long chia sẻ.

Không thể dừng lại

Từng rất bình tâm trong dịch, là doanh nghiệp hàng đầu của ngành, Công ty Vietravel cũng không khỏi cảnh “lung lay” trong bão dịch.

Nhưng ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel, nói: “Khủng hoảng không có nghĩa là phải dừng lại, mà buộc chúng ta phải thay đổi. Khủng hoảng cũng có nghĩa là phải chuẩn bị cho con đường mới, thích nghi với điều chỉnh mới theo hướng tích cực nhất”.

Từ doanh thu vào cao điểm lên đến 30-40 tỉ đồng/ngày thì hiện nay Vietravel chỉ còn vài tỉ đồng/ngày. Dịch COVID-19 đã khiến định hướng và triển khai kế hoạch của doanh nghiệp phá sản toàn bộ, liên tục điều chỉnh.

“Nếu dùng một từ ngắn gọn dành cho các doanh nhân Việt trong năm nay thì đó chính là “bản lĩnh”. Đó là bản lĩnh trong kinh doanh, sắp xếp, cải tổ. Doanh nhân Việt đã bản lĩnh hơn. Doanh nhân phải đủ bản lĩnh, tỉnh táo nhận ra và sẵn sàng thay đổi tất cả.

Chấp nhận phá bỏ những cái đã có. Dịch đặt tôi vào những thời điểm phải suy nghĩ đắn đo rất nhiều, tự tìm kịch bản cho doanh nghiệp mình trước những vấn đề mà mình chưa từng phải đối mặt” – ông Kỳ tâm sự.

Và doanh nghiệp này đã chọn cách thích nghi mới bằng một kế hoạch trở lại trong tháng 11, ra mắt hãng bay trong tháng 12.

“Chúng tôi chọn đi con đường mới, cách tiếp cận mới, du lịch sẽ không thể trở về con đường cũ được nữa, doanh nghiệp, doanh nhân cũng phải thay đổi, đôi khi có cả chấp nhận về điểm xuất phát” – ông Kỳ nói.

Đóng cửa, phá sản không phải là phương án

Với ông Nguyễn Ngọc Toản – tổng giám đốc Images Travel, những ngày đầu tháng 10-2020 ông vẫn tiếp tục đón nhận những thông tin hủy tour từ đối tác ở Pháp.

Chuyên đón thị trường khách Âu, trong đó 80% là khách Pháp, từ hơn 10.000 lượt/năm khách châu Âu với hàng trăm đoàn, nhóm mỗi tháng, Images Travel của ông Toản trải qua những tháng ngày tất cả rơi về số 0: không đoàn khách, không doanh thu.

Quỹ lương của doanh nghiệp từ hơn nửa tỉ đồng/tháng cũng phải thu hẹp dần dần. Nhân viên của Images Travel giờ tỏa ra làm đủ nghề, người đi bán bất động sản, người mở quán cà phê, làm thêm lĩnh vực khác.

“Tôi gom những nhân viên còn lại trong doanh nghiệp hỏi: Các bạn còn muốn sẵn sàng một công việc mới, sẽ khó khăn hơn và rất khác công việc hiện nay? Chúng tôi vẫn làm công việc “giả vờ” như thị trường du lịch ở trạng thái bình thường và bắt đầu quay về làm du lịch nội địa” – ông Toản kể.

“Nếu nói về tinh thần doanh nhân trong năm 2020, tôi nghiệm đó là tinh thần chủ động, chủ động trong tất cả kế hoạch kinh doanh, tự chủ tài chính. Nếu không chỉ còn phương án đóng cửa, xin phá sản. Mà đó lại không phải cách để chia sẻ với những người cùng đồng hành.

Đặc thù của doanh nghiệp vừa và nhỏ VN là vốn mỏng, nên xảy ra sự cố là rất dễ sập. Tôi chưa bao giờ xem đóng cửa là phương án, đó chỉ là cách làm tệ nhất” – ông Toản nói.

NHƯ BÌNH
TTO