Nhiều học sinh thành thạo mạng xã hội nhưng không biết nấu một bữa ăn!
Nhiều học sinh thành thạo mạng xã hội nhưng không biết nấu một bữa ăn!
Học sinh thiếu kỹ năng sống là trăn trở của rất nhiều phụ huynh. Dù chương trình mới hay cũ, điều quan trọng nhất là ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
Môn tiếng Việt theo tinh thần là dạy cho học sinh 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho thành thạo nhưng không ít lần tôi bắt gặp những lá đơn xin phép đầy lỗi chính tả, chữ viết cẩu thả, dấu chấm, dấu phẩy loạn xạ của những học sinh THCS.
Dường như hiện nay, vấn đề chữ viết của học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Tôi nhớ những ngày đi học, các thầy cô giáo rất chú trọng đến việc rèn chữ viết cho học sinh. Tôi và bạn bè của mình luôn cố gắng luyện tập vì viết không rõ ràng và sai chính tả thì sẽ bị trừ điểm. Bây giờ, trẻ con phải học nhiều môn hơn ngày xưa nên có ít thời gian luyện chữ viết chăng?
“Con cá này làm thế nào cho sạch vậy mẹ?”, một lần đến thăm nhà một người bạn, chợt nghe con gái của chị – một học sinh lớp 10, hỏi chị như thế. Lần khác, khi đi dã ngoại cùng gia đình, tôi chứng kiến hai cô cậu đang ở độ tuổi thiếu niên cứ loay hoay với nồi cơm nửa sống nửa chín và cuối cùng là đem bỏ đi!
Quả thật, có những việc hết sức đơn giản nhưng nhiều cô cậu bé đang ở độ tuổi mới lớn không thể nào làm được. Ở góc độ xã hội, tôi gọi những cô cậu bé này là những đứa trẻ nhiều tuổi bởi cách ứng xử của các em cho thấy rằng các em còn thiếu những kỹ năng sống cần thiết ở lứa tuổi của mình.
Những bài học về kỹ năng qua những hoạt động học tập, trải nghiệm chưa được các em thẩm thấu một cách nghiêm túc. Có em còn được cha mẹ cho tham gia những câu lạc bộ, trại hè… với mục đích tích lũy thêm kinh nghiệm cho bước đường đời sau này, tuy nhiên đâu lại vào đấy khi các em trở về nhà! Nhiều cô cậu thành thạo sử dụng mạng xã hội, nhưng không biết làm thế nào để chuẩn bị một bữa ăn cho gia đình hay sửa chữa những vật dụng hư hỏng trong nhà.
Có rất nhiều điều đáng nói trong việc giáo dục trẻ tại nhà trường hiện nay. Người lớn sẽ có lỗi nếu để trẻ tiếp nhận kiến thức một cách thụ động mà không vận dụng được nhiều vào cuộc sống với những kiến thức chỉ nằm trên sách giáo khoa mà không được tương tác hiệu quả với môi trường bên ngoài. Định hướng và lan tỏa cái hay, cái đẹp theo tâm sinh lý lứa tuổi là một việc rất cần thiết để học sinh có được những kỹ năng sống cho chính mình và phục vụ tích cực cho cộng đồng.
Lê Tấn Thời
(Giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, H.Chợ Mới, An Giang)