Armenia và Azerbaijan đụng độ mạnh, thế giới kêu gọi trở lại bàn đàm phán

Armenia và Azerbaijan đụng độ mạnh, thế giới kêu gọi trở lại bàn đàm phán

Theo Đài BBC, giao tranh ác liệt đã nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan trong khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, nhiều quốc gia và cả giáo hoàng đã lên tiếng kêu gọi hai bên trở lại bàn đàm phán.

 

 

 

Armenia và Azerbaijan đụng độ mạnh, thế giới kêu gọi trở lại bàn đàm phán - Ảnh 1.

Azerbaijan công bố hình ảnh về những gì họ cho là xe bọc thép Armenia bị hư hại – Ảnh: BBC

Cáo buộc Azerbaijan tấn công bằng không quân và pháo binh, Armenia cho biết đã bắn rơi trực thăng và phá hủy xe bọc thép của đối phương và tuyên bố tình trạng thiết quân luật.

Trong khi đó, Azerbaijan lại nói rằng họ đã phản công để đáp trả các cuộc pháo kích để bảo vệ dân thường.

Khu vực xảy ra giao tranh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng do người Armenia kiểm soát.

Cả hai nước, từng thuộc Liên bang Xô viết, vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tới tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết ông tự tin giành lại quyền kiểm soát đối với khu vực ly khai. Azerbaijan thông báo đã giành quyền kiểm soát 6 làng ở vùng Nagorno-Karabakh, đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền với Armenia, do Armenia kiểm soát sau các cuộc đụng độ ác liệt gây thương vong cho cả hai bên tại đây. Thiết quân luật cũng đã được ban bố ở một số vùng của Azerbaijan.

Bộ Quốc phòng Armenia, trong thông báo ngày 27-9, cho biết có 16 quân nhân của nước này thiệt mạng và hơn 100 binh sĩ bị thương trong các vụ đụng độ với quân đội Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Về phần mình, Azerbaijan cho biết 14 dân thường dân nước này bị thương trong giao tranh với phía Armenia.

Cùng với lệnh thiết quân luật, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng đã ra lệnh tổng động viên trên quy mô toàn quốc.

Ông kêu gọi lực lượng dự bị động viên trên khắp cả nước đến các văn phòng tuyển quân ở các khu vực để đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự “vì Tổ quốc và vì chiến thắng”.

Hai lệnh này được ban hành để đối phó với khả năng Azerbaijan tấn công quân sự nhằm vào Armenia, theo như phát biểu của Thủ tướng Pashinyan trên truyền hình quốc gia.

Armenia và Azerbaijan đụng độ mạnh, thế giới kêu gọi trở lại bàn đàm phán - Ảnh 2.

Cùng với lệnh thiết quân luật, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng đã ra lệnh tổng động viên trên quy mô toàn quốc – Ảnh: BBC

Ngoài 44.000 quân thường xuyên, quân đội Armenia dựa nhiều vào sức mạnh của đội quân dự bị thường trực lên đến 210.000 người. Theo quy định, công dân Armenia sau khi hoàn tất nghĩa vụ quân sự sẽ được lưu danh sách và phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến cho đến khi 55 tuổi.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk (do Nga, Mỹ, Pháp đồng chủ tịch), xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Căng thẳng tái bùng phát sáng 27-9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên.

Một số nước trong nhóm Minsk đã kêu gọi hai bên kiềm chế. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi lập tức ngừng bắn và trở lại bàn đàm phán.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Pháp cùng các đối tác Nga và Mỹ tái khẳng định cam kết tiến tới một giải pháp bền vững giúp tháo gỡ xung đột thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế. Pháp bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến đối đầu song phương trên diện rộng mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ tìm cách để chấm dứt bạo lực giữa hai bên.

Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Azerbaijan, đã kêu gọi Armenia lập tức ngừng các hành động làm gia tăng căng thẳng và kêu gọi thế giới ủng hộ Azerbaijan.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas có cùng kêu gọi về việc các bên chấm dứt giao tranh tại vùng Nagorno – Karabakh và lập tức trở lại bàn đàm phán.

Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi Armenia và Azerbaijan giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán bằng sự thiện chí và tình hữu nghị thay vì sử dụng vũ lực. Giáo hoàng cũng bày tỏ quan ngại khi được biết các bên đều báo cáo thương vong trong các cuộc đụng độ mới nhất.

HỒNG VÂN
TTO