22/12/2024

Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương

Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương

Dù đã bước sang tuổi 72, hằng ngày “bà giáo” Nguyễn Thị Ba vẫn rong ruổi khắp các con phố ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương bán từng tờ vé số, chiều về lại ghé lớp tình thương ở phường Phú Cường giúp học sinh nghèo học chữ.

 

 

Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương - Ảnh 1.

Lưng đã còng nhưng cô Ba vẫn tận tình chỉ dạy cho từng em học trò – Ảnh: NHẬT THỊNH

Học trò thường gọi bà là “cô Ba”. Cô Ba sống một mình không chồng không con, dành trọn đời mình cho nghề giáo. Trước đây, cô là giáo viên Trường tiểu học Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, đến năm 2003 thì nghỉ hưu. Hiện cô sống một mình trong căn trọ nhỏ trên đường Nguyễn Văn Tiết, TP Thủ Dầu Một bằng số tiền lương hưu và bán vé số hằng ngày.

Cô Ba cho biết trước đây từng có ý định vào trung tâm nuôi dưỡng người già để sống, nhưng nghĩ lại mình còn cái nghề, còn đam mê dạy học nên cô nhận dạy thêm ở nhà và bán vé số dạo.

Năm 2016, cô biết đến lớp học tình thương phường Phú Cường và bày tỏ mong muốn được phụ dạy. Từ đó, cô trở thành người dạy chính của lớp và gắn bó với các em đến nay cũng gần 5 năm.

Lớp học có 20 học sinh, đủ mọi lứa tuổi, đều chung hoàn cảnh không thể đến trường vì quá nghèo. Trong những lần đi bán vé số, cô gặp những em nhỏ cùng bán với mình, qua thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, cô thương cảm dẫn các em vào lớp học để dạy dỗ.

“Là người nhà giáo, nhìn các em không được đến trường nên cô phải giúp, ít nhất là giúp các em biết được con chữ, biết được lễ nghĩa phép tắc. Tại vì các em đa số đều phải ra đời sớm, có em bán vé số, phục vụ quán ăn để có tiền phụ giúp gia đình, từ đó tiếp xúc với rất nhiều người với đủ thành phần nên có thể gây ảnh hưởng xấu đến tính cách các em”, cô Ba tâm sự.

Đến nay lưng đã còng, mắt cũng mờ, nhưng đôi chân của “bà giáo già” vẫn thoăn thoắt hằng ngày đi bộ hơn 2 cây số từ nhà trọ đến lớp học để gieo từng con chữ cho những đứa học trò nghèo.

Anh Nguyễn Phan Hoàng Tuấn, ủy viên ban thường vụ Đoàn phường, phó chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên phường Phú Cường, chia sẻ: “Từ ngày có cô Ba đến dạy lớp tình thương, các em học tiến bộ hơn hẳn, nhiều phụ huynh làm công nhân ở khu vực cũng đến gửi con. Từ đó Đoàn phường tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập để giúp các em ở lớp học tình thương được học tập đầy đủ hơn”.

Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương - Ảnh 2.

Lớp học bắt đầu từ 17h đến 19h, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Trước mỗi buổi học, các em được cô Ba cùng các mạnh thường quân hỗ trợ bữa ăn chiều – Ảnh: NHẬT THỊNH

Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương - Ảnh 3.

Sau khi ăn xong, các em lớn giúp cô Ba rửa chén, sắp xếp bàn ghế để vô lớp học – Ảnh: NHẬT THỊNH

Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương - Ảnh 4.

Đầu giờ các em được cô Ba xếp hàng điểm danh giống như ở trường học – Ảnh: NHẬT THỊNH

Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương - Ảnh 5.

Lớp học mượn phòng từ nhà văn hóa phường Phú Cường, với đầy đủ trang thiết bị giúp việc dạy và học được tốt hơn – Ảnh: NHẬT THỊNH

Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương - Ảnh 6.

Nhân dịp Trung thu, cô Ba vận động các mạnh thường quân mình quen biết đến tặng cặp, lồng đèn và gạo cho các em học sinh nghèo – Ảnh: NHẬT THỊNH

Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương - Ảnh 7.

Sau giờ dạy học, cô Ba lại ghé đến các quán cà phê để bán vé số. Số tiền bán vé số hằng tháng cô sẽ trích 50% mua gạo, mua bánh phát cho những học trò của mình – Ảnh: NHẬT THỊNH

NHẬT THỊNH
TTO