Bộ GTVT: Hạn chế tối đa thu hồi đất lúa khi làm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
Bộ GTVT: Hạn chế tối đa thu hồi đất lúa khi làm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật lưu ý ĐBSCL là vựa lúa quốc gia, là trung tâm sản xuất lúa cả nước nên khi làm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau phải tính tới phương án hạn chế tối đa thu hồi đất lúa.
Chiều 21-9, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật có buổi làm việc với lãnh đạo một số tỉnh, thành ĐBSCL cùng đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án đầu tư tận dụng hoàn toàn tuyến quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp hiện hữu cho chiều đi từ Cần Thơ – Cà Mau (2 làn xe), theo đó chỉ đầu tư 2 làn đường cao tốc mới hoàn toàn (hướng từ Cà Mau về Cần Thơ), tổng vốn khoảng 46.200 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.100 tỉ đồng (thu hồi 750ha đất).
Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng nêu 2 phương án khác gồm làm một đường cao tốc mới hoàn toàn, không đi trùng quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp mà tách rời tùy theo đoạn với đoạn gần nhất là 100m, xa nhất là 3,5km (phương án 2); hoặc làm một đường cao tốc mới hoàn toàn song song Quản Lộ – Phụng Hiệp khoảng 2km (phương án 3).
Hai phương án 2 và 3 này có tổng kinh phí lần lượt là 61.000 tỉ đồng (thu hồi 900ha đất) và 56.000 tỉ đồng (thu hồi 800ha đất).
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành có liên quan gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đều không tán thành phương án tận dụng đường Quản Lộ – Phụng Hiệp mà đề xuất chọn phương án 2 hoặc 3.
Ông Vương Phương Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nêu quan điểm chọn phương án 2 nhưng lưu ý Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ thực hiện tuyến đường này trên cơ sở làm sao cho có lợi cho cả vùng, thúc đẩy cả vùng ĐBSCL cùng phát triển.
Ông Nhật cho biết hiện miền Tây đã có tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, còn tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận đang làm, cầu Mỹ Thuận 2 vừa khởi công. Dự kiến tháng 11-2020 sẽ khởi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
“Hiện nay trong triển khai thì chắc chắn có cao tốc từ TP.HCM tới Cần Thơ. Tuy nhiên, để từ Cần Thơ đến Cà Mau còn 150km nữa. Đây là cuộc họp đầu kỳ về dự án này, là cuộc họp quan trọng trong tình hình kinh tế đất nước và ngân sách đầu tư công giai đoạn 2020-2025 khó khăn.
“ĐBSCL là vựa lúa quốc gia, là trung tâm sản xuất lúa của cả nước nên tính tới phương án hạn chế tối đa thu hồi đất lúa. Đơn vị tư vấn nghiên cứu làm thế nào để tránh thu hồi đất lúa”, thứ trưởng Nguyễn Nhật lưu ý.
Theo ông Nhật, sở dĩ vì sao có buổi làm việc này bởi bộ phải hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9, nhằm kịp đưa vào kế hoạch để Quốc hội duyệt vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tập đoàn Đèo Cả tham gia đoạn Bạc Liêu – Cà Mau
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cũng đề xuất chọn phương án 2 đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau bởi đây là phương án khả thi nhất để đầu tư theo phương thức PPP (hợp tác công – tư) đoạn Bạc Liêu – Cà Mau (theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sẽ chia thành 2 dự án thành phần Cần Thơ – Bạc Liêu và Bạc Liêu – Cà Mau).
Theo đó, đoạn Bạc Liêu – Cà Mau dài 46km, có tổng vốn đầu tư 7.700 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư khoảng 3.850 tỉ đồng (tương ứng 50% tổng vốn đầu tư).