24/11/2024

Đại dịch Covid-19: 4 tháng cuối năm số tử vong sẽ tăng gấp đôi?

Đại dịch Covid-19: 4 tháng cuối năm số tử vong sẽ tăng gấp đôi?

Đại dịch Covid-19 có thể sẽ còn gieo rắc thêm nhiều cái chết hơn nữa, thậm chí gấp đôi con số hiện tại trước khi năm 2020 kết thúc, theo dự báo của một nhóm chuyên gia Mỹ.
Nhân viên mai táng mặc trang phục bảo hộ đang chôn cất một người chết vì Covid-19 tại nghĩa trang Sao Luiz ở Sao Paulo, Brazil, hôm 4.6 /// Reuters
Nhân viên mai táng mặc trang phục bảo hộ đang chôn cất một người chết vì Covid-19 tại nghĩa trang Sao Luiz ở Sao Paulo, Brazil, hôm 4.6  REUTERS
Theo ước tính của một nhóm dự báo có uy tín, Covid-19 trong hơn 8 tháng qua đã làm hơn 930.000 người tử vong, nhưng có thể lấy đi tính mạng của thêm 1,9 triệu người nữa trên toàn thế giới, để đánh dấu ngày đầu năm mới 2021 với tổng số ca tử vong là 2,8 triệu. Số người chết hằng ngày trong tháng 12 có thể lên đến 30.000.
“Điều tệ nhất vẫn còn ở phía trước”, Tiến sĩ Christopher Murray thuộc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington, cơ quan thực hiện dự báo trên, phát biểu hôm 4.9. Theo ông, phần lớn dân số trên thế giới sống ở bán cầu bắc. Tại đây, các bệnh về hô hấp có xu hướng tăng trong mùa đông, và Covid-19 được dự báo cũng có tác động như vậy.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo chính phủ trên thế giới có dấu hiệu “khá đuối sức vì Covid-19” do những ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế, ông Murray đánh giá. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ lơi lỏng các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, mà nếu áp dụng chặt chẽ có thể cứu được hàng trăm nghìn nhân mạng.

Dự báo của IHME gồm 3 kịch bản:

Kịch bản xấu hơn, khi các chính phủ nới lỏng mọi hoạt động can thiệp từ đây đến ngày 1.1.2021, xem như chấp nhận chiến lược “miễn dịch cộng đồng”, và ý thức đeo khẩu trang vẫn ở mức hiện tại, số ca tử vong trên toàn cầu có thể lên đến 4 triệu.
Kịch bản tốt nhất cũng sẽ có khoảng 2 triệu người tử vong vì Covid-19, là khi hầu hết đều đeo khẩu trang và chính phủ áp đặt giãn cách xã hội ngay khi tỷ lệ tử vong hằng ngày vượt 8 phần triệu.
Kịch bản có khả năng xảy ra nhất giả định việc sử dụng khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội không thay đổi. Sẽ có khoảng 2,8 triệu người chết vì Covid-19 trước ngày 1.1.2021.

Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nhất

Cả 3 kịch bản trên đều cho thấy Ấn Độ sẽ là nước có số người chết vì Covid-19 cao nhất, theo sau là Mỹ.
Dù tính đến ngày 7.9 có tổng số ca tử vong xấp xỉ 72.000 người, nhưng Ấn Độ đang ghi nhận sự bùng nổ số ca nhiễm trong vài tuần gần đây. Chỉ mất 13 ngày để số ca nhiễm Covid-19 tăng từ 3 triệu đến 4 triệu, và ngành y tế nước này thông báo đã có 90.000 ca nhiễm mới chỉ trong ngày 6.9. Với tổng số 4,2 triệu ca nhiễm được ghi nhận, Ấn Độ hôm 7.9 chính thức vượt qua Brazil chiếm vị trí thứ 2 sau Mỹ về quy mô lây nhiễm Covid-19.
Các đô thị đông đúc, việc tái mở cửa kinh tế sau đợt phong tỏa nghiêm ngặt từ tháng 3 đến tháng 5, và thiếu cơ chế theo dấu hữu hiệu đã khiến Covid-19 lan khắp nơi trên đất nước Nam Á 1,3 tỉ dân này.
Mỹ, nước hiện có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, được dự báo sẽ vẫn có số người tử vong rất cao – thêm 100.000 người trong kịch bản tốt nhất và thêm đến gần 435.000 người trong kịch bản xấu hơn.
Trong nhóm 10 quốc gia có tổng số người chết vì Covid-19 cao nhất vào ngày 1.1.2021, có 8 quốc gia xuất hiện trong cả 3 kịch bản: Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Brazil, Mexico, Philippines, Pháp. Bốn nước Nga, Hà Lan, Anh, Peru xuất hiện trong 1 hoặc 2 kịch bản.
Dưới đây là 3 kịch bản trên thể hiện trên bản đồ:
Kịch bản xấu hơn
Kịch bản nhiều khả năng xảy ra
Kịch bản tốt nhất
Bên cạnh đó, IHME còn cung cấp dự báo về nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có số tử vong trên mỗi 100.000 dân cao nhất.
Có sự xuất hiện bất ngờ của quần đảo Virgin thuộc Mỹ trong nhóm này, ở cả 3 kịch bản. Tính tới hôm 7.9 số liệu chính thức cho thấy tại đây chỉ có dưới 1.200 ca nhiễm và 17 ca tử vong, nhưng mô hình dự báo của IHME cho thấy sẽ có số ca tử vong có thể sẽ tăng rất nhanh trong tháng 10-11.
Việt Nam không có mặt trong mô hình dự báo của IHME vì số người nhiễm/tử vong vì Covid-19 quá ít, không đủ dữ liệu để đạt dự báo đáng tin cậy, theo thông tin trên trang web của đơn vị này.

Dự báo quá xa?

Mô hình dự báo của IHME nằm trong số những nguồn dữ liệu mà Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) sử dụng để dự báo xu hướng của Covid-19. Tuy nhiên, các mô hình dự báo bệnh dịch thường dựa trên những giả định về hành vi của con người, nên biến số là khá lớn.
Quả thật, dự báo của IHME cũng bị nhiều chuyên gia y tế nghi ngờ.

Dự báo toàn cầu đầu tiên này mở ra cơ hội để nhấn mạnh rằng miễn dịch cộng đồng – về cơ bản là bỏ qua khoa học và đạo đức – và để xảy ra hàng triệu cái chết dù có thể tránh được.

Tiến sĩ Christopher Murray, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington

Trang tin CNBC dẫn lời nhà khoa học dữ liệu Youyang Gu cho biết ông nghi ngờ dự phóng mới nhất của IHME vì đã đi quá xa vào tương lai.
Ông Gu cũng có mô hình dự báo Covid-19 được CDC sử dụng, tuy nhiên ước tính của ông không vượt quá ngày 1.11 vì làm như vậy là “vô trách nhiệm”. Ông giải thích với CNBC rằng tương lai càng xa càng có “quá nhiều sự không chắc chắn… Quá nhiều biến số đang diễn tiến nên chẳng ai thật sự biết chắc được chuyện gì sẽ xảy ra”.
Trong khi đó, ông Ashish Jha, hiệu trưởng trường Y tế công thuộc Đại học Brown, không đánh giá cao dự báo của IHME vì “hoàn toàn không thực tế, không có căn cứ”, theo kênh tin tức Mỹ NPR. Theo ông, IHME cho rằng những người nhiễm Covid-19 trong thời gian tới vẫn có tỉ lệ tử vong giống như trong thời kỳ đầu của đại dịch. Tuy nhiên, ông Jha cho rằng “tỉ lệ tử vong có lẽ đã giảm đi 50% vì chúng ta đã tiến bộ hơn nhiều trong việc chăm sóc người bệnh”.

Tỉ lệ tử vong [vì Covid-19] có lẽ đã giảm đi 50% vì chúng ta đã tiến bộ hơn nhiều trong việc chăm sóc người bệnh

Ashish Jha, hiệu trưởng trường Y tế công thuộc Đại học Brown

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng có thể không chính xác vì nhiều nước thiếu dữ liệu y tế đáng tin cậy cả về số ca tử vong do Covid-19 lẫn thông tin về bệnh nền của nạn nhân.
Ngoài ra, chỉ trích về phương pháp luận của IHME không chỉ thuần túy về khoa học. Ông Jha nhận định có thể còn có tác động chính trị. Chẳng hạn tại Mỹ, nếu đến cuối năm tổng số ca tử vong vì Covid-19 dừng ở mức 250.000 hoặc 300.000, các lãnh đạo chính trị có thể lợi dụng dự báo này để nói rằng chính nhờ nỗ lực của họ mà “chỉ có” 300.000 người chết, thay vì đến 400.000 người chết như ước tính.
Dù vậy, những dự phóng của IHME một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và giới hạn các cuộc tụ họp xã hội để giúp ngăn ngừa sự lây truyền của virus SARS-CoV-2.
THẾ VINH
TNO