24/11/2024

Kinh tế phục hồi kiểu chữ K

Kinh tế phục hồi kiểu chữ K

Kinh tế phục hồi sau đại dịch, mọi người sẽ không hưởng lợi như nhau. Một số công ty tiếp tục sống phây phây. Ngược lại, cuộc sống một số thành phần lao động càng tệ hơn.

 

 

 

Kinh tế phục hồi kiểu chữ K - Ảnh 1.

Quầy quần áo nữ chỉ có một khách hàng ở thủ đô Tokyo của Nhật – Ảnh: Reuters

Mô hình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 mới nhất thường được báo chí Anh nhắc đến là mô hình chữ K.

Nét sổ thẳng của chữ K được dùng để chỉ tình hình kinh tế suy thoái đột ngột.

Hai nét xiên ngắn của chữ K cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược nhau, tùy từng lĩnh vực và doanh nghiệp liên quan.

Hai nét trái ngược của chữ K

Một số công ty thuộc nét xiên phía trên chữ K như nhóm Big Tech (5 công ty công nghệ lớn gồm Google, Amazon, Apple, Microsoft, Facebook) ung dung thoát khỏi khủng hoảng để lướt tới đỉnh cao phát triển lịch sử.

Theo trang Slate, trong quý 2-2020 doanh thu của Amazon đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 88,9 tỉ USD. Doanh thu nhánh tạp hóa của Amazon tăng gấp ba lần trong giai đoạn này do lệnh phong tỏa tác động đến phần lớn dân số thế giới, khiến mọi người phải mua sắm qua giao hàng.

Tương tự, giá cổ phiếu của Netflix (dịch vụ video trực tuyến) tăng 200%, trong khi giá cổ phiếu của Tesla (công ty xe điện) tăng gấp 10 lần.

Ngược lại, nét xiên phía dưới chữ K bao gồm các công ty thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng COVID-19 nặng nề như vận tải hàng không, dệt may, tổ chức sự kiện và dịch vụ ăn uống. Nhà phân tích John Authers lưu ý: “Doanh thu của các cửa hàng trực tuyến tăng 40% trong những tháng gần đây trong khi khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các hãng du thuyền giảm doanh thu với tỉ lệ tương đương”.

Người nghỉ hưu đỡ hơn người lao động

Hiện tượng bất bình đẳng tương tự còn được quan sát thấy nơi đối tượng người tiêu dùng. Một số nhóm được an toàn và thậm chí “sống khỏe” trong đại dịch gồm nhân viên có trình độ, cán bộ, lao động làm việc trong khu vực công hoặc người nghỉ hưu. Nói chung thu nhập của họ không hề giảm. Tại Pháp, Hội đồng định hướng hưu trí (COR) tính toán lương hưu ròng bình quân sẽ tăng 1,2% trong năm nay, trong khi mức lương ròng bình quân lại giảm 5,3% so với năm ngoái.

Theo khảo sát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), 63% nhân viên có trình độ có thể làm việc từ xa hoàn toàn, trong khi chỉ 20% những người có trình độ tương đương lớp 12 trở xuống có khả năng làm việc từ nhà. Cuộc sống vốn đã bấp bênh của một bộ phận lực lượng lao động (người trẻ, lao động tạm thời, doanh nghiệp siêu nhỏ, tiểu thương) lại ngày càng xấu đi.

Thậm chí các đối tượng sống tốt trong thời buổi phong tỏa vẫn tiếp tục gầy dựng cơ ngơi. Báo Financial Times dẫn ví dụ về tòa nhà chọc trời sang trọng 220 Central Park South ở Manhattan (New York). Có đến 13 căn hộ ở đây đã được bán với tổng giá trị 598 triệu USD kể từ đầu năm 2020, tức bình quân 46 triệu USD mỗi căn.

Tờ báo tài chính bình luận: “Ngay cả khi bạn giàu hơn vua Croesus, mua bất động sản tầm cỡ như vậy cũng cần chút niềm tin vào tương lai. Sự kiện 13 thành viên câu lạc bộ 0,01% sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền cho thấy họ đứng ngoài cơn hỗn loạn kinh tế bao trùm phần còn lại của thế giới”.

Các mô hình phục hồi kinh tế

V: là kịch bản phục hồi lạc quan nhất. Kinh tế suy giảm nhanh rồi phục hồi cũng nhanh khi phong tỏa kết thúc. Chính phủ ban hành các biện pháp đủ để bù đắp cho khủng hoảng và đại dịch không bùng phát trở lại.

U: là kịch bản ít thuận lợi hơn nhưng vẫn lạc quan. Kinh tế suy thoái kéo dài lâu hơn rồi sau đó phục hồi chậm. Tình hình trở lại như trước đại dịch sẽ không xảy ra trước cuối năm 2020.

W: là kịch bản phục hồi hai lần. Kinh tế tăng tốc rồi xuống dốc trở lại, sau đó lại tăng tốc. Nguyên nhân do các biện pháp ngăn chặn COVID-19 được dỡ bỏ quá nhanh hoặc không ngăn chặn, sau đó dịch bùng phát lần hai.

L: là kịch bản u ám nhất. Các biện pháp vực dậy kinh tế quá khiêm tốn dẫn đến nguy cơ suy thoái mạnh. Các công ty phá sản hàng loạt khiến kinh tế trì trệ.

HOÀNG DUY LONG
TTO