COVID-19 ngày 7-9: Ấn Độ tăng mạnh ca nhiễm, mỗi ngày trên 1.000 ca tử vong
COVID-19 ngày 7-9: Ấn Độ tăng mạnh ca nhiễm, mỗi ngày trên 1.000 ca tử vong
Tính đến 6h ngày 7-9, thế giới có hơn 27,2 triệu người dương tính với virus corona chủng mới trong đó có 886.964 trường hợp tử vong và hơn 19 triệu ca đã hồi phục do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mặc dù Mỹ là nước đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm và tử vong nhưng số ca nhiễm mới của Mỹ đã giảm đi đáng kể. Theo hãng tin Reuters, số ca nhiễm có tăng trở lại tại 22/50 tiểu bang, đa số ở vùng Trung Tây nhưng sự gia tăng này không được chú ý nhiều vì số ca bệnh trên cả nước nhìn chung giảm dần, đặc biệt là ở các bang từng là điểm nóng như California, Florida và Texas.
Trong khi đó, dịch bệnh đang trở nên mất kiểm soát tại Ấn Độ khi nước này lập kỷ lục mới với 94.000 ca nhiễm mới tính đến hết ngày 6-9. Trong tuần qua, mỗi ngày Ấn Độ có trung bình trên 1.000 ca tử vong, theo báo Times of India.
Ấn Độ hiện đã vượt qua Brazil trở thành nước bị thiệt hại do COVID-19 đứng thứ hai thế giới.
Trong khi đó, tại Châu Âu, số ca nhiễm COVID-19 đang tăng lên với mức đáng quan ngại, dù không cao như cao điểm dịch trước đây.
Trong ngày 6-9, Anh có gần 3.000 ca dương tính mới. Theo Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, “Con số ca nhiễm tăng lên trong ngày này là đáng lo ngại”, đặc biệt là phần lớn các bệnh nhân đều là những người thuộc nhóm tuổi khá trẻ.
Ông Hancock nhấn mạnh người dân cần giữ khoảng cách an toàn như là phòng tuyến hàng đầu để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo Euronews, xu hướng dịch bệnh tăng lên và tập trung vào những người dưới 40 tuổi cũng thấy rõ ở châu Âu. Các nước nam và đông Âu như Albania, Bulgaria, Montenegro, Bắc Macedonia và Romania có số ca nhiễm trong tháng 8 cao hơn giai đoạn đầu năm.
Số ca nhiễm ở Croatia, Hi Lạp và Malta trong tuần qua cao hơn đợt dịch trước. Bỉ, Ý cũng có số ca tăng nhanh mặc dù không nhiều như giai đoạn tháng 3, tháng 4 trước đây.
Pháp, Ba Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha có khả năng sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai và đang nỗ lực để kiềm chế đà tăng của dịch bệnh.