24/11/2024

Dệt may ‘ăn đong’ đơn hàng

Dệt may ‘ăn đong’ đơn hàng

Thông tin trên vừa được Bộ Công thương nêu trong báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp trong 8 tháng của năm nay khi đánh giá về ngành dệt may.
Hợp đồng may mặc trong tháng 9 của doanh nghiệp mới đạt 50 - 60% /// Ảnh: Ng.Ng
Hợp đồng may mặc trong tháng 9 của doanh nghiệp mới đạt 50 – 60% ẢNH: NG.NG
Theo Bộ này, thông lệ hàng năm, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. “Một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50 – 60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng”, báo cáo cho biết.
Trong tháng 8, sản xuất dệt tăng 3,1% so với tháng 7 và tăng 4,9% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ. Sản xuất trang phục tháng 8 tăng 4,9% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ, nhưng tính chung 8 tháng vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 8 giảm 10,9%. Tính lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt và may đạt 19,25 tỉ USD, giảm 11,6%; vải kỹ thuật khác ước đạt 260 triệu USD, giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,2 tỉ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Công thương nhận định, ảnh hưởng của dịch Covid khiến tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình dè dặt trong chi tiêu, đầu tư của các doanh nghiệp cũng chững lại. Về tổng cầu dệt may thế giới, bước sang quý 3/2020, thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều. Đặc biệt, niềm tin tiêu dùng tại các thị trường lớn ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt. Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững.
NGUYÊN NGA
TNO