Hàng không thế giới chật vật chờ ngày hồi phục
Hàng không thế giới chật vật chờ ngày hồi phục
Đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động hàng không toàn cầu “đứng ngồi không yên” suốt nhiều tháng qua và khó hồi phục một sớm một chiều.
Doanh thu giảm 50%
Ngày 29.8, chuyên trang MarketWatch dẫn một số thống kê, phân tích đưa ra ước tính ngành hàng không toàn cầu thiệt hại khoảng 83 tỉ USD trong năm 2020. Doanh thu năm nay dự kiến chỉ còn khoảng 420 tỉ USD, giảm khoảng 50% so với mức xấp xỉ 840 tỉ USD vào năm 2019.
Đến nay, theo CNN, khoảng 20 hãng hàng không đã ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản như German Airways (Đức), Avianca (Colombia), South African Airways (Nam Phi) và Thai Airways (Thái Lan)… Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn nhân viên trong ngành này mất việc hoặc phải đối mặt với tình cảnh khó khăn do nguồn trợ cấp từ các chính phủ dành cho các hãng hàng không không đủ hay thậm chí cạn kiệt.
Dựa trên các phân tích và dữ liệu của Covid-19 Pandemic Navigator (tạm dịch: Điều hướng Đại dịch Covid-19) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế để dự đoán tương lai ngắn hạn cũng như dài hạn của ngành hàng không thế giới, hai chuyên gia Geoff Murray và Tom Stalnaker cho rằng số lượng hãng hàng không vận hành trên toàn cầu sẽ giảm vào năm 2023 do sự phá sản và sáp nhập của một số công ty. Những hãng hàng không còn tồn tại gần như sẽ chỉ tập trung vào các địa điểm tập kết và thị trường lớn với mạng lưới vận hành đơn giản. Sự thu hẹp này đồng nghĩa với việc sẽ có ít chuyến bay thẳng hơn và các chuyến bay ra vào các thành phố nhỏ.
Ví dụ, vào tháng 7 vừa qua, Hãng hàng không American Airlines (Mỹ) đã phải thông báo đến tất cả 25.000 nhân viên của mình về khả năng bị sa thải khi gói viện trợ liên bang kết thúc vào ngày 1.10. Cụ thể, sẽ có khoảng 10.000 tiếp viên hàng không và 2.500 phi công có khả năng mất việc. Nối tiếp thông báo trên là đợt tạm ngừng cung cấp các chuyến bay của hãng đến 15 thành phố nhỏ trên khắp nước Mỹ vào tháng 8.
Thai Airways, Hãng hàng không quốc gia Thái Lan, vốn đã thua lỗ trước khi đại dịch diễn ra với tổng số nợ lên đến 7,6 tỉ USD, theo Nikkei. Sự xuất hiện bất ngờ của Covid-19 đã đẩy hãng hàng không này đến bờ vực sụp đổ. Trước tình hình đó, vào tháng 5 vừa qua, hãng đã chính thức đệ đơn phá sản, nhưng vụ việc vẫn đang được giải quyết bởi Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan cho đến nay.
Qantas Airways, một hãng hàng không của Úc và cũng là hãng hàng không lâu đời thứ ba trên thế giới, vừa qua đã khẳng định rằng rất khó để hãng có thể nối lại các chuyến bay quốc tế trước tháng 7.2021. Đại dịch Covid-19 cùng các lệnh hạn chế đi lại có thể khiến doanh thu của hãng giảm 2,9 tỉ USD chỉ trong nửa thứ hai của tài khóa 2020.
Ngoài ra, trên toàn cầu, hàng ngàn máy bay cũng đang “đắp chiếu” hoặc bị “nghỉ hưu” sớm.
Có thể đến năm 2024 mới phục hồi
Vừa qua, trang Business Insider dẫn một phân tích khác cho rằng ngành hàng không toàn cầu phải đến năm 2024 mới phục hồi.
Còn theo bài phân tích mới đây trên CNN, hai chuyên gia trong lĩnh vực hàng không Geoff Murray và Tom Stalnaker cho rằng đại dịch Covid-19 đang khiến ngành hàng không thế giới lung lay đến tận gốc rễ, với mức độ bỏ xa hơn vụ khủng bố 11.9 tại Mỹ và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009.
Bên cạnh đó, theo phân tích của hai chuyên gia này, ngành hàng không khó có thể phục hồi về mức trước đại dịch, ít nhất là cho đến nửa cuối năm 2022 và sự khôi phục sau đó cũng sẽ chỉ dựa vào các hoạt động du lịch nội địa.
NGUYỄN THẠCH THẢO
TNO