18/11/2024

Tắm đêm có nguy cơ đột quỵ?

Tắm đêm có nguy cơ đột quỵ?

Tắm vào thời gian nào trong ngày phụ thuộc chủ yếu vào sở thích, thói quen và thời gian biểu của mỗi người. 
Không nên tắm khi vừa tập luyện xong /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Không nên tắm khi vừa tập luyện xong  ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Một số người có thói quen hoặc chỉ có thời gian tắm vào buổi tối, tuy nhiên lại e ngại liệu tắm đêm có tiềm ẩn nguy cơ nào cho sức khỏe về lâu dài hay không.

Mối liên quan giữa tắm đêm và bệnh lý mạch máu não

Có một số trường hợp đột tử sau khi tắm vào tối khuya khiến nhiều người cho rằng tắm đêm có thể gây đột quỵ. Tuy nhiên, giải thích vấn đề này, các bác sĩ cho biết đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy mối liên quan giữa các bệnh lý mạch máu não, đột quỵ và việc tắm đêm.

Đột tử được chia làm 5 nhóm nguyên nhân thường gặp nhất: do loạn nhịp tim, do nhồi máu cơ tim, do những tai biến mạch máu não (tức xuất huyết chảy máu), do thuyên tắc phổi, và nhóm không xác định chính xác nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là nhồi máu cơ tim và loạn nhịp tim.

Bác sĩ Nguyễn Đức Chỉnh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Chỉnh, Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Nguy cơ đột quỵ khi tắm đêm đối với những người bình thường không được ghi nhận. Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu nhỏ ở Nhật, người ta nhận thấy nguy cơ đột quỵ (hay dân gian gọi là đột tử) khi tắm đêm thường xuất hiện ở những người lớn tuổi, nhóm bệnh nhân có tiền căn bệnh tim mạch, nhóm bệnh nhân đang có thể trạng không tốt hoặc đang có bệnh lý nào đó (chẳng hạn như bệnh ung thư hay suy giảm miễn dịch).
“Các trường hợp đột quỵ khi tắm thường liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột của cơ thể”, bác sĩ Nguyễn Đức Chỉnh nói. Ví dụ, đang ở trong môi trường lạnh mà lại tắm nước nóng, sau đó từ trong phòng tắm kín, ấm áp lại bước ra ngoài phòng với nhiệt độ lạnh; hoặc mới vận động cơ thể rất nóng mà tắm nước lạnh. Như thế sẽ dẫn đến tình trạng thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, dễ bị những phản ứng bất lợi. Đó là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ.
Theo một nghiên cứu của Nhật, những trường hợp đột tử liên quan đến tắm đêm đa số xuất hiện vào mùa đông do có một sự thay đổi nhiệt độ đột ngột của cơ thể so với môi trường.
Mặt khác, bác sĩ Chỉnh cho biết, qua ghi nhận điều trị, hầu hết những trường hợp đột tử khi tắm xảy ra khi người đó ở nhà một mình. Có thể khi biến cố xảy ra, người bệnh chưa tử vong ngay mà tử vong có thể liên quan đến té ngã hoặc không được cấp cứu kịp thời.
“Chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng và thống nhất cho thấy tắm đêm có nguy cơ đột tử hay nguy hiểm đến sức khỏe”, tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Văn Sỹ, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), nói. Theo các bác sĩ, vấn đề là tắm như thế nào để đảm bảo được an toàn cho sức khỏe.

Tắm thế nào an toàn?

Tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Văn Sỹ tư vấn: Với những người có bệnh lý về xương khớp, tim mạch, người già, phụ nữ hoặc trẻ em thì không nên tắm đêm vì có thể xảy ra các biến cố. Thời điểm tắm tốt nhất trong ngày là buổi sáng.

Tránh sốc nhiệt khi tắm

Để tránh nguy cơ sốc nhiệt khi tắm, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thông tin thêm: Một số người có thói quen sau khi đi ngoài trời nắng về thì tắm ngay hoặc do thời tiết nóng nực nên phải thường xuyên tắm. Tuy nhiên, như vậy có thể gây hại sức khỏe.
“Cơ thể đang ở ngoài nắng, nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột thì trung tâm điều nhiệt phải hoạt động liên tục. Chúng ta không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, để khô mồ hôi khoảng 30 phút. Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe”, bác sĩ Hậu khuyến cáo.

Nếu phải tắm vào buổi tối, đặc biệt là đêm khuya thì lưu ý 2 điểm sau:

Thứ nhất, không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh. Về nguyên tắc, nhiệt độ chênh lệch với thân nhiệt không quá 5 độ C. Nếu tắm nước lạnh quá hoặc nóng quá thì có thể đưa đến hiện tượng sốc nhiệt.
Thứ hai, không nên tắm dưới vòi nước hoặc ngâm nước quá lâu, thông thường nên tắm sao cho thoải mái trong vòng 10 – 15 phút.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng Văn Sỹ lưu ý thêm: Không nên tắm khi mới ăn quá no hoặc quá đói; khi mới vận động hoặc tập luyện cường độ cao xong, cơ thể đang mệt mỏi; khi vừa uống bia, uống rượu. Tắm trong những trạng thái như thế có thể gây hại cho sức khỏe.
“Để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe, nên tắm ở điều kiện mà nhiệt độ môi trường và nhiệt độ cơ thể tương thích với nhau, không nên để cơ thể thay đổi nhiệt độ quá đột ngột. Trong trường hợp tắm buổi tối, cần phải lưu ý nên tắm trong một môi trường an toàn, có người xung quanh”, bác sĩ Chỉnh nhắc nhở.
KHẢI LINH
TNO