Lý do học đại học của bạn là gì?
Mỗi bạn trẻ đều có lý do khác nhau để chọn học đại học. Có bạn học vì muốn có một tương lai tươi sáng hơn, muốn có được công ăn việc làm ổn định… Nhưng cũng có trường hợp bạn trẻ không biết lý do vì sao phải học đại học?
Lý do học đại học của bạn là gì?
Nếu học đại học vì gia đình mong muốn, các bạn sẽ khó đạt được kết quả tốt TUYẾT SAN
Không biết làm gì sau khi tốt nghiệp phổ thông
Trong một lần trò chuyện cùng nhóm sinh viên tại làng đại học (Q.Thủ Đức, TP.HCM), Trần Thị Mỹ Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, hỏi tôi: “Chị biết em chọn ngành học này (ngành quản lý đất đai) là vì điều gì không?”. Hỏi xong Ngọc kể: “Ngày xưa nhà em làm giấy tờ chuyển nhượng đất mà đợi cả năm cũng không giải quyết, gia đình em cứ đi lên chính quyền hết lần này đến lần khác. Em bực quá về nói với gia đình rằng em sẽ thi đại học ngành quản lý đất đai và phải làm lãnh đạo để sau này về giải quyết những tình trạng này”.
Nghe xong tôi hỏi: “Vậy em có thực sự thích ngành này không?”, thì Ngọc ngồi suy nghĩ một lúc rồi lấp lửng trả lời: “em cũng không biết nữa”.
“Vậy đây cũng là lý do em học đại học?”, tôi hỏi tiếp. Ngọc thẳng thắn: “Dạ đúng, vì ghét anh cán bộ địa chính đó quá mà em quyết tâm học để thi đậu đại học. Chỉ có học đại học, có cái bằng thì sau này em mới học lên thêm được và làm được ở những cấp quản lý, lãnh đạo. Có như thế mới giải quyết được những bất cập, quan liêu”.
Khi nghe tôi hỏi Ngọc về lý do học đại học, Trương Anh Quân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói: “Em còn không biết lý do em học đại học là gì nữa. Từ trước đến giờ, ai cũng học xong phổ thông thì đi thi đại học. Giỏi thì đậu để học, còn tệ hơn thì học những hệ cao đẳng, trung cấp hay học nghề. Nên nếu giờ mà hỏi em lý do học đại học thì chắc là vì em không biết làm gì sau khi tốt nghiệp phổ thông”.
Có vẻ cùng suy nghĩ, thấy cả nhóm 7 bạn sinh viên đều gật gù sau chia sẻ của Quân. Tôi hỏi Dương Nguyễn Anh Thư, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thì Thư nói: “Em học đại học vì đây là điều tất yếu. Thi xong phổ thông không học đại học thì làm gì?”
Học đại học là thành công?
Khi phóng viên làm một cuộc khảo sát nhỏ với sinh viên các trường ĐH thì mỗi bạn có một lý do khác nhau để chọn học đại học. Bạn học vì muốn có một tương lai tươi sáng hơn, muốn có được công ăn việc làm ổn định sau này,… Nhưng cũng có những trường hợp lại không biết lý do vì sao phải học đại học, hay chọn học vì mong muốn của gia đình.
H.N.G.P, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, không vui khi nhắc đến lý do học đại học của mình. Vì vốn dĩ P. không thích học đại học, P. học là vì gia đình.
“Em thích đi vẽ vời, rồi chụp ảnh các kiểu thôi. Nhưng ba mẹ em nhất định không cho. Em đã từng ngồi nói chuyện nghiêm túc với ba mẹ rằng em không muốn học đại học, nhưng bị ba chửi cho một trận rồi cũng phải đi thi. Mẹ em thì hiền và thương em lắm, nhưng mẹ cũng không đồng ý việc em không học đại học. Mẹ nói ‘không học đại học thì làm sao thành công được hả con?’. Thế đấy, nhưng dù sao giờ em cũng học năm 2 rồi. Phải học hết 4 năm và mang cái bằng giỏi về cho ba mẹ vui, lúc đó em muốn làm gì cũng được”.
Còn C.T.H, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thì kể: “Ban đầu khi vào trường đại học em chỉ nghĩ học đại học sẽ thành công, ngành học em chọn thì dựa trên sự cảm mến của một người cô dạy rất hay từ thời phổ thông. Nhưng rồi, năm nhất, năm 2, mọi thứ vỡ lở và em chán ngán học hành, vì càng học em càng nhận ra mình không thích ngành học này. Nhưng vẫn cố để đi học chỉ với một mục tiêu là lấy tấm bằng đại học như giấy thông hành cho sự nghiệp sau này”.
Xác định 3 yếu tố cần và đủ
Theo chuyên gia tham vấn tâm lý Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: “Mong muốn, nhu cầu hay còn được hiểu là lý do để bắt đầu một hoạt động của con người là cực kỳ quan trọng, và là tiền đề cho mọi sự phát triển. Đó là bước đầu tiêu cần có để xác định mục tiêu và phương pháp đúng đắn để có kết quả tốt cho hoạt động, kể cả quá trình hoạt động học tập tại đại học”.
Chị Thảo cho rằng những lý do không đến từ mong muốn chính xác và thực sự của cá nhân thì ít có thể trở thành động lực mạnh mẽ giúp các bạn vượt qua những khó khăn trong học tập, dễ nản chí và bỏ học.
“Và nếu học đại học vì gia đình muốn nên phải học, vì không biết làm gì sau khi tốt nghiệp phổ thông,…thì rõ ràng các bạn trẻ sẽ không đạt được kết quả tốt như mong đợi, có trường hợp bỏ học giữa chừng hoặc là học lại một ngành khác khi muộn màng nhận ra lý do thực sự. Lúc này không những tốn kém về thời gian mà còn là tiền bạc và công sức nữa”, chị Thảo nhấn mạnh.
Chị Thảo cũng chỉ ra học đại học bản chất là bước đi đầu tiên cho sự nghiệp trong tương lai, là học nghề. Nên lý do phù hợp nhất bao gồm việc mình mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp cho mình và người thân, việc mong muốn phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội và thực hiện đam mê của mình.
Và chị Thảo khuyên mỗi bạn trẻ trước khi bắt đầu bất cứ một hoạt động nào muốn có kết quả và thành công thì nên xác định 3 yếu tố: “Thứ nhất là tại sao mình muốn làm điều này, nó có ích gì cho bản thân trong tương lai? Thứ 2 là mình có đủ khả năng về năng lực, sức khỏe và tài chính để làm hay không? Và cuối cùng là hoạt động này có phù hợp với yêu cầu và chuẩn mực của xã hội mình đang sống không?”.
HOA NỮ