Bank of America: Doanh nghiệp Mỹ – Âu sẽ tốn 1.000 tỉ USD để chuyển khỏi Trung Quốc, nhưng rất đáng
Bank of America: Doanh nghiệp Mỹ – Âu sẽ tốn 1.000 tỉ USD để chuyển khỏi Trung Quốc, nhưng rất đáng
Ngân hàng Bank of America (BoA) dự đoán, trong vòng 5 năm, các doanh nghiệp ngoại muốn chuyển chuỗi sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc sẽ tiêu tốn khoảng 1.000 tỉ USD. Dù vậy BoA cho rằng điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích lâu dài.
Ngay từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khảo sát các nhà phân tích trên thế giới của BoA đã cho thấy việc doanh nghiệp bắt đầu tách khỏi quá trình toàn cầu hóa, cũng như chọn cách tiếp cận địa phương hóa cho chuỗi cung ứng.
Xu hướng trên xuất phát từ nhiều yếu tố đe dọa tới chuỗi cung ứng hiện đại, bao gồm căng thẳng thương mại, an ninh quốc gia, biến đổi khí hậu và thời kỳ lên ngôi của tự động hóa.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới đây, trưởng phòng nghiên cứu toàn cầu Candace Browning và đội ngũ của bà tại BoA rút ra kết luận COVID-19 là chất xúc tác mạnh cho quá trình Mỹ và châu Âu rút chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc.
Đội ngũ của bà Browning ghi nhận COVID-19 đã ngắt quãng chuỗi cung ứng của 80% các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, đồng thời buộc 75% doanh nghiệp mở rộng các kế hoạch di dời.
Giải thích cho số liệu trên, bà Browning cho rằng việc dịch chuyển chuỗi sản xuất sẽ chú trọng về “cộng đồng lớn hơn của các cổ đông, người tiêu dùng, nhân lực và nhà nước”.
Trong khi mỗi bên tham gia sẽ tác động vào quá trình thay đổi trên theo cách khác nhau, các nhà phân tích nhận thấy họ đều hướng đến một con đường chung: một phần chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lý tưởng nhất là quay trở về quốc gia của mình, nhưng khó có thể thực hiện được vì yếu tố “đồng minh” giữa các quốc gia.
Khoảng 2/3 (67%) người tham gia khảo sát Quản lý quỹ toàn cầu của BoA cho rằng việc địa phương hóa hay di dời chuỗi sản xuất sẽ là chuyển dịch cơ cấu cốt yếu trong thế giới hậu đại dịch.
Để giải quyết chi phí vận hành tăng lên vì cuộc di dời quy mô lớn này, nhóm của Browning cho rằng các nhà hoạch định chính sách và quản lý doanh nghiệp sẽ đưa ra các biện pháp mạnh tay.
“Các nhà làm chính sách có thể sẽ hỗ trợ thông qua các khoản miễn giảm thuế, các khoản vay chi phí thấp và nhiều trợ cấp khác, tương tự như các tuyên bố được thực thi gần đây từ Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Đài Loan”, nhóm của bà Browning giải thích.
Ở cấp độ ngành, BoA cho rằng cổ phiếu các ngành kỹ thuật xây dựng và máy móc, tự động hóa nhà máy và robot, sản xuất thiết bị điện và điện tử, phần mềm ứng dụng, cũng như các dịch vụ tương tự khác đều sẽ được hưởng lợi từ xu hướng hiện tại.
Trong khi đó, các ngân hàng tại Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Á sẽ nhận được trợ lực lớn từ các hoạt động kinh tế theo sau quá trình trên.