Vì sao sau tiêm vắc xin bạch hầu vẫn có thể lây bệnh?
Vì sao sau tiêm vắc xin bạch hầu vẫn có thể lây bệnh?
Sức đề kháng của vi khuẩn bạch hầu ở ngoài cơ thể rất cao, chịu được khô lạnh, đặc biệt khi được chất nhầy bảo vệ. Ngoài ra, vi khuẩn dễ dàng lây nhiễm qua hô hấp.
Có thể sống nhiều ngày ngoài cơ thể
Ngày 18.8, Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu”. Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B, do độc tố của vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae).
Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Trên đồ vải như chăn, màn, quần áo, gối, vi khuẩn bạch hầu có thể sống được 30 ngày; trên cốc, chén, thìa, bát đũa, đồ chơi, có thể sống được vài ngày; trong sữa, nước uống, sống 20 ngày; trong tử thi, sống được 2 tuần.
Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn bạch hầu có thể bị tiêu diệt sau vài giờ; nhiệt độ 58 độ C thì sống được 10 phút và bị giết chết nhanh chóng ở nhiệt độ sôi. Vi khuẩn cũng dễ bị tiêu diệt bởi các hóa chất khử trùng thông thường.
Vẫn có thể lây sau khi tiêm vắc xin
Các biểu hiện chính của bạch hầu: sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng.
Khi ổ dịch bạch hầu được xác định, tất cả bệnh nhân nghi ngờ phải được đeo khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế. Tiến hành điều trị đặc hiệu ngay cả khi chưa có kết quả xét nghiệm, cần phải cách ly riêng biệt với ca bệnh xác định.
Nếu dịch xảy ra trong trường học, tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng khác nghi ngờ mắc bệnh đều phải nghỉ học và đưa tới cơ sở y tế để quản lý, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm.
Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong khoảng 5 – 10%.
Đáng lưu ý, người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh; trong đó người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm ở cộng đồng. Điều này giải thích bệnh bạch hầu có thể đột nhiên xảy ra ở những nơi mà trước đó không thấy có ca bệnh xuất hiện.
Thời kỳ lây truyền thường bắt đầu từ khi khởi phát và kéo dài khoảng 2 tuần, đôi khi lên tới 4 tuần. Trong một số trường hợp đã ghi nhận người mang vi khuẩn mãn tính trên 6 tháng.
Bộ Y tế cho biết: Điều trị kháng sinh đặc hiệu sẽ nhanh chóng tiêu diệt mầm bệnh và chấm dứt sự lây truyền. Bạch hầu đã có vắc xin và kháng sinh đặc hiệu để phòng và điều trị. Tuy nhiên, vắc xin giải độc tố bạch hầu chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh nhưng không ngăn ngừa được sự nhiễm vi khuẩn tại chỗ ở hầu họng, do vậy không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắc xin.
LIÊN CHÂU
TNO