27/12/2024

COVID-19 giúp trái cây nội được ‘sủng ái’

COVID-19 giúp trái cây nội được ‘sủng ái’

Khách hàng thắt chặt chi tiêu nên gần đây không ít cửa hàng trái cây nhập khẩu đóng cửa, số ít xoay xở bằng cách bán thêm trái cây nội địa.

 

COVID-19 giúp trái cây nội được sủng ái - Ảnh 1.

Thanh nhãn Bạc Liêu giá 240.000 đồng/ kg ở cửa hàng trái cây nhập khẩu (Q.1) – Ảnh: B.MAI

Chuyên kinh doanh trái cây nhập khẩu Nhật, Hàn, Mỹ, Úc… phân khúc cao cấp hơn 7 năm, chị Nguyễn Ngọc Huyền (sáng lập, CEO Mia Fruit) chia sẻ: “COVID-19 giúp tôi dừng lại suy nghĩ nhiều hơn, quay về trái cây trong nước”.

Với tác động từ dịch, cũng như hàng loạt cửa hàng trái cây nhập khẩu khác, chuỗi cửa hàng của chị Huyền gặp không ít khó khăn, vào đầu năm “đứt” nguồn trái cây được khách hàng ưa chuộng từ Nhật.

Để vực dậy, thu hút khách, chị Huyền liên hệ các đầu mối, tới tận các nhà vườn ở khắp các tỉnh thành phía Bắc, miền Tây… khảo sát, tìm hiểu và nhập trái cây về bán.

Nếu trước kia cửa hàng này chỉ bán trái cây cao cấp, điển hình như cherry Mỹ giá 750.000 đồng/kg, đào tiên Nhật giá 650.000 đồng/quả, sầu riêng Musan King Malaysia giá 750.000 đồng/400 gram, nho mẫu đơn Nhật gần 3 triệu đồng/kg… thì nay kệ hàng xuất hiện thêm các gương mặt trái cây Việt như xoài cát Hòa Lộc giá 140.000 đồng/kg, măng cụt 150.000 đồng/kg, thanh nhãn Bạc Liêu giá 240.000 đồng/kg…

Với giá bán có phần nhỉnh hơn, chưa kể một số nơi còn có chính sách bảo hành 48 giờ, trái cây nội địa bước vào cửa hàng nhập khẩu thường được chọn lọc đều, đẹp, thúc đẩy việc sản xuất sản phẩm thơm ngon, trồng theo phương pháp hữu cơ…

Nhờ có trái cây nội mà doanh số của nhiều cửa hàng trái cây nhập khẩu được “cứu”. Đặc biệt, theo một số lãnh đạo chuỗi bán trái cây ngoại, nếu trước khách chỉ thích ăn trái cây ngoại thì nay không ít khách hàng, đặc biệt là khách dưới 30 tuổi liên tục hỏi mua mít, mận, xoài, nhãn, ổi… trong nước.

“Tới tận vườn, gặp người nông dân, ăn trái cây bà con trồng mới thấy rõ trái cây nước mình ngon, chất lượng. Chỉ có điều chưa xây dựng, quảng bá thương hiệu tốt. Trước kia nhiều đối tác nước ngoài hỏi tôi muốn nhập trái cây Việt nhưng tôi không nghĩ ra cái gì để giới thiệu, nhưng lần này tôi đã tìm ra. Tôi sẽ cố gắng kết nối để bán trái cây Việt ra nước ngoài” – chị Huyền nói.

Để duy trì nguồn sống, không ít cửa hàng trái cây ngoại đang xoay sang bán thêm các loại bánh, kẹo, hạt, nước ép, sữa, kem, ngũ cốc, trứng gà… “Không phải là mặt hàng chính, chỉ bán kèm vào mùa dịch, nên mức tiêu thụ khá chậm” – chị Nhung (quản lý cửa hàng trái cây nhập khẩu T.T, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.

Theo một số người bán, nhu cầu ăn trái cây ngoại vẫn còn nên một số cửa hàng đã nghĩ cách nhập trái cây Nhật bằng cách đi bằng đường hàng không qua Lào, sau đó vận chuyển xe tải về Việt Nam.

Hiện nhiều cửa hàng có trái cây Nhật, Mỹ, Úc… để bán, nhưng lượng nhập về giảm, thời gian nhận hàng kéo dài hơn, chủng loại không đa dạng như trước.

BÔNG MAI
TTO