Cao tốc, sân bay, bến cảng: Ai không làm thì đứng sang một bên
Cao tốc, sân bay, bến cảng: Ai không làm thì đứng sang một bên
Sân bay Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải, hay các tuyến đường cao tốc đã được quy hoạch, và ý tưởng được nhắc tới từ lâu, nhưng triển khai quá ì ạch. Như sân bay Long Thành đến Thủ tướng cũng phải nóng ruột.
Nói với Tuổi Trẻ Online về câu chuyện kết nối hạ tầng giao thông, Bí Thư tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh đưa ra một sự ví von rằng sau 40 năm, hệ thống vận tải có cảng Sài Gòn, có sân bay Tân Sơn Nhất, còn nay 2 tâm điểm để làm bật dậy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giờ đây là cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải và tương lai là dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Ông Lĩnh trăn trở và đặt câu hỏi vì sao 2 tâm điểm mới ấy đã nhìn thấy mà 10 năm qua chưa tập trung đầu tư, khai thác cho tương xứng với tiềm lực ở khu vực này.
Trăn trở ấy cũng của không ít giới chức lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp làm nghề vận tải.
Khi Nhà nước nhìn thấy đã đầu tư chi phí vào cảng, vào các trục quốc lộ, cao tốc với mong muốn khơi dậy tiềm lực sẵn có, kết nối giao thông, hàng hóa “trên bờ, dưới nước” sẽ hút được doanh nghiệp và người dân đỡ gánh nặng về chi phí…
Rồi sân bay Long Thành được định hình để khớp nối giao thông với hệ thống cảng biển và cả những trục đường cao tốc của TPHCM, miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Ý tưởng và bản đồ quy hoạch giao thông của vùng là vậy nhưng đi sát thực tế còn quá nhiều việc phải làm. Thử nghĩ, trong khi mọi người đang tập trung làm dự án sân bay Long Thành thì lại mang thêm nỗi lo về những tuyến đường cao tốc kết nối vào dự án trọng điểm quốc gia đang ì ạch.
Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây cho đến chuyện mở rộng, nâng cấp quốc lộ 51 ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng chỉ sau vài năm đã quá tải, kẹt xe, tai nạn, gây bảo cảnh khốn khốn cho các địa phương giờ phải tính đến chuyện mở rộng thêm làn.
Giờ đến lượt cao tốc Bến Lức – Long Thành đang dở dang vì thiếu vốn. Đó là chưa nói các quốc lộ, các dự án cao tốc khác thực hiện cho vùng này đang còn ì à, ì ạch.
Những “khuyết tật” của các công trình, dự án trên bản đồ giao thông của vùng do thiếu vốn, thiếu tầm nhìn, thiếu quyết tâm, thiếu chỉ huy hay còn gì khác? Không ngẫu nhiên suốt 2 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần họp trực tuyến hoặc đã vào tận Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM thị sát nghe kiến nghị, giải trình vướng mắc, đôn đốc chuyện kết nối hạ tầng giao thông ở dự án sân bay Long Thành, ở đường vành đai 3, vành đai 4 cho đến chuyện Cảng Cái Mép – Thị Vải, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu….
“Nóng ruột” đến mức, Thủ tướng phải nhắc đi, nhắc lại: “Tháng 10, tỉnh Đồng Nai phải có 1.800ha đất sạch để khởi động một số hạng mục dự án sân bay”.
Thủ tướng khẳng định sân bay kết nối các hệ thống giao thông quốc gia, các khu đô thị quy mô nên các bộ ngành tính toán kết nối hạ tầng đồng bộ với sân bay với tinh thần “tích cực tháo gỡ vướng mắc, không chờ đợi, bị động… Ai không làm thì đứng sang một bên”
Thủ tướng đã “chốt” vậy thì ai có thể đứng ngoài mà không cùng xoắn tay gỡ khó nguồn vốn, chính sách cho các dự án kết nối hạ tầng giao thông. Ít ra, khi các bộ ngành, địa phương hành động nhanh, gỡ ngay những nút thắt, dồn sức vào các dự án trọng điểm cũng đã rút ngắn được sự đợi chờ trong lòng dân, vừa “khơi thông” nỗi trăn trở lâu nay của nhiều địa phương và doanh nghiệp…
Với mong muốn tạo diễn đàn lắng nghe ý kiến phản biện, đa chiều từ các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp cùng đông đảo người dân, bạn đọc… Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy ban nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM… tổ chức “Diễn đàn kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ”.
Độc giả có các ý kiến tham gia Diễn đàn kết nối hạ tầng giao thông khu vực này trên Tuổi Trẻ Online xin gửi bài về hộp thư [email protected] . Các ý kiến đóng góp xin gửi kèm ảnh (nếu có) và sẽ được trả nhuận bút.